Ông Vương Nghị sắp công du 'tấn công quyến rũ' đến ASEAN

Tờ South China Morning Post ngày 9-10 đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuần tới sẽ có chuyến công du đến Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan, Singapore từ ngày 11-10 đến ngày 15-10.

Động thái trên được xem là cuộc “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc tại Đông Nam Á và được đưa ra sau khi Mỹ và ASEAN hồi tháng 9 chính thức nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ (MUSP).

Chuyến công du cũng nối tiếp các chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 9-10 đến ngày 10-10 của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và ông Luhut Binsar Panjaitan - đặc phái viên của tổng thống Indonesia.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 9-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các nước ASEAN là đối tác quan trọng đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chuyến đi của ông Vương “thể hiện thiện chí và quyết tâm chân thành của Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, duy trì chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình và ổn định khu vực”.

Mỹ và ASEAN hồi tháng 9 đã chính thức nâng cấp hợp tác lên Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ. Ảnh: AFP

Đài Phát thanh quốc gia Campuchia (RNK) đưa tin ông Vương sẽ có chuyến thăm trong hai ngày đến Phnom Penh bắt đầu từ ngày 10-10. Ông Vương sẽ gặp Thủ tướng Hun Sen và người đồng cấp Prak Sokhonn.

“Quan hệ Trung Quốc - Campuchia vẫn tốt đẹp hơn bao giờ hết trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị” - ông Phay Siphan, người phát ngôn của chính phủ Campuchia, cho biết.

Tại Thái Lan, ông Vương dự kiến sẽ ký hợp đồng dự án tuyến đường sắt dài 252 km giữa Bangkok và thành phố Nakhon Ratchasima ở phía đông nước này. Nếu hoàn thành, tuyến đường sẽ là một phần trong tuyến cao tốc chạy từ thành phố Côn Minh ở miền nam Trung Quốc đến Singapore.

Thái Lan đang đối mặt làn sóng biểu tình phản đối chính phủ, do các sinh viên dẫn đầu nhằm kêu gọi các ràng buộc hiến pháp đối với Quốc vương và sự bình đẳng xã hội và kinh tế hơn.

“Tôi nghĩ ông Vương muốn được coi là người ủng hộ chính phủ ở đây và là người bạn lớn trong khi Thái Lan đang trải qua thời kỳ bất ổn” - ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn, cho biết.

Ông Shi Yinhong - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) - cho biết sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Mỹ khiến Bắc Kinh cần phải tương tác tốt hơn với các nước láng giềng.

“Đại dịch COVID-19, căng thẳng với Mỹ và tranh chấp Biển Đông khiến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á ngày càng phức tạp. Các chuyến thăm tập trung là dấu hiệu tích cực nhưng liệu chúng ta có thể đạt được bước đột phá nào hay không lại là một câu hỏi khác” - ông Shi cho biết.

Ông Zhang Mingliang - chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông tại Đại học Tế Nam, Quảng Châu - cho biết: “Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ và sự thù địch ngày càng tăng từ phương Tây, Trung Quốc ưu tiên ngoại giao láng giềng hơn ngoại giao cường quốc. Sự can dự song phương với các nước trong khu vực là chìa khóa cho Trung Quốc, Trung Quốc đồng thời cũng sẽ phát triển quan hệ ở cấp độ đa phương”.

Năm 2014, Trung Quốc đã khởi động cơ chế Hợp tác Mekong - Lan Thương. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang vấp phải những chỉ trích liên quan việc xây dựng đập trên thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc gọi là Lan Thương, được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước ở hạ lưu cũng như việc nước này ít khi chia sẻ dữ liệu thủy văn.

Tại hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ lần thứ nhất hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này sẽ dành gần 153,6 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực sông Mekong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm