Ông Vương Nghị sang Campuchia ký thỏa thuận thương mại tự do

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm chính thức Campuchia trong hai ngày 11-10 và 12-10 và sẽ gặp Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng Hor Namhong và Ngoại trưởng Prak Sokhonn, theo thông tin từ báo Camdodianess.

"Bạn đáng tin cậy nhất"

Theo thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia đưa ra ngày 9-10, sẽ có nhiều thỏa thuận được ký trong chuyến thăm của ông Vương, trong đó có thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước.

“Thủ tướng Hun Sen sẽ chứng kiến lễ ký Thỏa thuận thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc (CCFTA) và hai tài liệu quan trọng khác nữa có tên Trao đổi ghi chú về nghiên cứu tính khả thi của dự án phát triển bệnh viện cấp tỉnh Sihanoukville và Trao đổi ghi chú về nghiên cứu tính khả thi của dự án phát triển hệ thống thoát nước đô thị ở Sihanoukville” – theo thông cáo báo chí.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Phnompenh năm 2016. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC

Trung Quốc và Campuchia đã bắt đầu vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận thương mại từ do từ tháng 1-2019. Ngày 20-7 Bộ trưởng Thương mại Pan Sorasak và người đồng cấp Trung Quốc Zhong Shan ra một tuyên bố chung rằng tiến trình đàm phán thỏa thuận đã kết thúc thành công.

Nội dung cuộc gặp giữa ông Vương và Ngoại trưởng Prak Sokhonn sẽ về quan hệ hợp tác song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực, thông cáo cho biết thêm.

Trung Quốc hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài số một ở Campuchia, với 3,5 tỉ USD chỉ trong năm 2019. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Hai nước đặt mục tiêu sẽ đưa giá trị thương mại hai bên lên 10 tỉ USD/năm từ năm 2023. Trung Quốc cũng đang nắm giữ tới 46% trong tổng nợ nước ngoài trị giá 7,9 tỉ USD của Campuchia.

Theo chuyên gia Chheang Vannarith – Chủ tịch Viện tầm nhìn châu Á, việc ông Vương chọn Campuchia là điểm đến trước tiên trong chuyến công du cho thấy Trung Quốc xem Campuchia là “bạn đáng tin cậy nhất” ở khu vực Đông Nam Á.

Ngày 7-10 ông Hun Sen có phát ngôn bác lại các ý kiến rằng Campuchia đã trở nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông Hun Sen đặt câu hỏi với các nước khác: “Tôi muốn hỏi họ một câu…Nếu Trung Quốc không giúp họ xây đường, cầu, thì ai sẽ giúp họ?”.

Mỹ khó ngồi yên

Theo báo South China Morning Post, sự gia tăng vai trò của Trung Quốc ở Campuchia đã khiến Phnompenh trở thành nước đứng giữa thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, dù người phát ngôn chính phủ Campuchia – ông Phay Siphan nói nước này muốn cả Bắc Kinh và Washington đối xử với mình như với “em gái nhỏ hơn”.

Gần đây Campuchia đã cho phá hủy trụ sở cơ quan chỉ huy chiến lược của Hải quân Hoàng gia Campuchia, vốn được xây dựng từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Mỹ và Úc. Theo Cambodianess, động thái này càng tăng thêm đồn đoán rằng Campuchia đã đạt thỏa thuận với Bắc Kinh sẽ cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream của mình.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) đón khi đến thăm Bắc Kinh ngày 5-2. Ảnh: REUTERS

Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về khả năng Trung Quốc đưa tài sản quân sự và quân nhân đến căn cứ Ream, đồng thời cảnh báo sự hiện diện này nếu có sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương Mỹ-Campuchia cũng như làm mất ổn định khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tháng trước, Mỹ trừng phạt Union Development Group – một công ty đầu tư Trung Quốc đã thuê 20% trong 440km bờ biển của Campuchia cho dự án du lịch mà Mỹ cho thực chất là có thể để ngụy trang cho việc bố trí tài sản quân sự của Trung Quốc.

Campuchia bác bỏ khả năng cho phép Trung Quốc hiện diện quân sự, nói hiến pháp mình cấm sự hiện diện của quân đội nước ngoài.

Chính phủ Campuchia nói nước này hoan nghênh sự hỗ trợ từ mọi nước, không chỉ từ Trung Quốc, trong việc phát triển và mở rộng căn cứ Ream trên vịnh Thái Lan. Tuy nhiên ông Hun Sen thừa nhận rằng ông cần sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho dự án này, và nói thêm các cơ sở mà Mỹ tài trợ cho căn cứ này sẽ được tái bố trí phù hợp với kế hoạch toàn diện mở rộng căn cứ.

Sau chuyến thăm Campuchia ông Vương sẽ đến Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore, theo thông tin từ đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm