Ông Vương Nghị kỳ vọng 'hạ cánh mềm' cho khủng hoảng Myanmar

Tờ South China Morning Post đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 22-4 kỳ vọng rằng hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Indonesia trong ngày 24-4 sẽ mở đường cho sự "hạ cánh nhẹ nhàng" đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar.

Trong cuộc điện đàm hôm 22-4, ông Vương đã trao đổi quan điểm về Myanmar với những người đồng cấp Thái Lan và Brunei, trước thềm hội nghị thượng đỉnh về tình hình Myanmar sẽ diễn ra tại Jakarta trong ngày hôm nay, 24-4.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AFP

Về phía Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này. 

Trung Quốc không phải là một quốc gia thành viên của ASEAN, song Bắc Kinh là thành viên của ASEAN+3, cơ chế hợp tác giữa ASEAN và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.

"Trung Quốc hy vọng cuộc họp sẽ dẫn đến một khởi đầu tốt đẹp nhằm mang lại việc 'hạ cánh nhẹ nhàng' cho tình hình Myanmar" - ông Vương nói. 

Ông Vương nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng hội nghị thượng đỉnh có thể có lợi cho việc hòa giải chính trị ở Myanmar.

“Cách thoát khỏi [cuộc khủng hoảng] là để tất cả các bên tại Myanmar tìm kiếm sự hiểu biết mới thông qua đối thoại chính trị trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, cũng như tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ”.

Theo ông Vương, Trung Quốc hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh có thể khuyến khích tất cả các bên liên quan tại Myanmar kiềm chế và thỏa hiệp.

Ông Vương cũng kêu gọi ASEAN “đóng một vai trò xây dựng” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar, South China Morning Post đưa tin. 

“ASEAN hiểu rõ hơn bất kỳ quốc gia và tổ chức khu vực nào khác về tình hình đặc biệt của Myanmar và có điều kiện tốt hơn để tham gia giải quyết vấn đề mang tính xây dựng” - ông Vương nói.

“Trung Quốc kỳ vọng rằng ASEAN sẽ tuân theo 'cách thức của khối', thể hiện sự thống nhất, bao trùm và đồng thuận thông qua tham vấn, xây dựng nền tảng thống nhất và tạo ra tiếng nói chung" - ông Vương nhấn mạnh, nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với ASEAN và tiếp tục giao thiệp với tất cả các bên tại Myanmar "theo cách riêng của mình".

Kể từ khi cuộc chính biến diễn ra hồi tháng 2, các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên khắp Myanmar và đến nay đã có hơn 700 người biểu tình bị giết hại. 

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc hôm 22-4 cảnh báo rằng sẽ có tới 3,4 triệu người ở Myanmar có thể đối mặt nguy cơ nạn đói trong vòng sáu tháng tới, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị và tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bắc Kinh trước đó cho biết ủng hộ nỗ lực hòa giải của ASEAN đối với cuộc khủng hoảng tại Myanmar, song cũng kêu gọi các quốc gia ASEAN cảnh giác trước các thế lực bên ngoài can thiệp vào cuộc khủng hoảng.

Trung Quốc hồi tháng 2, thông qua quyền phủ quyết với tư cách là một trong năm thành viên thường trực hội đồng, đã chặn một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc chính biến. Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng sức ép hoặc lệnh trừng phạt từ bên ngoài sẽ chỉ khiến tình hình ở Myanmar trở nên tồi tệ hơn. 

Hồi tháng 3, với sự đồng thuận từ Trung Quốc, Liên Hợp Quốc đã đưa ra tuyên bố lên án đối với chính quyền quân sự Myanmar, song Bắc Kinh cho rằng ASEAN nên đề phòng ảnh hưởng từ bên ngoài.

“Thực tiễn đã chỉ ra rằng sự cưỡng ép vô tội vạ của các thế lực bên ngoài không đóng góp gì vào việc giải quyết các vấn đề nội bộ của một quốc gia. Thay vào đó, điều này sẽ gây ra sự bất ổn và thậm chí khiến tình hình xấu đi, ảnh hưởng và phá vỡ sự ổn định của khu vực” - ông Vương nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm