Ông Trump và hai vụ lùm xùm chưa giải đáp

Mỹ một lần nữa dậy sóng với cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump, còn Ukraine đang cố gắng để tránh xa vụ việc lần này của nước Mỹ. Trong khi đó, vụ công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra nhằm vào ông Trump về nghi án thông đồng với Nga trong bầu cử Mỹ năm 2016 cũng chỉ vừa kết thúc chưa lâu.

Từ bầu cử 2016 đến 2020

Theo tạp chí The New Yorker, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh của mình gần như thành công trong việc đưa bản báo cáo của cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller vào quên lãng. Đầu tiên, bản tóm tắt của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói rằng không thể chứng minh ông Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Trong khi ông Mueller cuối cùng quyết định không thể truy tố ông Trump về tội cản trở công lý nhưng cũng không khẳng định rằng ông Trump vô tội.

Mới đây, ông Trump dính vào rắc rối mới. Có thông tin trong cuộc gọi điện thoại vào ngày 25-7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Zelenskiy, ông chủ Nhà Trắng đã yêu cầu người đồng cấp Ukraine mở cuộc điều tra về ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và con trai Hunter Biden, người từng làm việc trong một công ty năng lượng Ukraine. Tổng thống Trump bị cho là đã gây áp lực trực tiếp trong cuộc gọi điện thoại vào tháng 7-2019 với ông Zelenskiy để đổi lấy hỗ trợ về tài chính và quân đội cho chính phủ Kiev.

Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ tin này, đồng thời trưng ra nội dung cuộc gọi giữa ông Trump và Tổng thống Zelenskiy. Tuy nhiên, vụ việc cho đến nay vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Nhà báo Jeffrey Toobin cho rằng cả hai vụ lùm xùm giữa ông Trump với Nga và Ukraine thực chất là cùng một câu chuyện: “… Cả hai sự kiện đều có sự liên quan của Nga”. Dù vậy, cho đến nay Moscow luôn khẳng định không can dự vào chuyện nội bộ nước Mỹ và chưa có bằng chứng nào chứng minh mối quan hệ giữa Nga với các vụ lùm xùm của Nhà Trắng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: REUTERS

Nga nói gì?

Trên tờ The Washington Post, Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ ý định can thiệp vào chính trị Mỹ. “Chúng tôi vẫn theo dõi tình hình chính trị của Mỹ nhưng ý định can thiệp không phải là một ý kiến hay. Tại sao chúng tôi lại cần làm việc đấy? Điều đó đi ngược lại với lợi ích, nguyên tắc và chính sách đối ngoại của Nga” - ông Putin phát biểu.

Đó là một vấn đề lớn của Ukraine. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Người Ukraine sẽ tiếp tục có sự ủng hộ của Mỹ hay là chúng tôi sẽ phải đấu tranh đơn lẻ với Nga?

Chính trị gia Ukraine OLENA SOTNYK 

Theo bà Ivanna Klympush-Tsintsadze, cựu phó thủ tướng của Ukraine, Moscow đang cố gắng gây ra ảnh hưởng đến hình ảnh của Ukraine, tương lai của Ukraine và mối quan hệ giữa Ukraine với Mỹ. “Nga có một khả năng lạ kỳ trong việc khuếch đại và lan truyền thông tin trên các trang mạng xã hội Mỹ” - thành viên Quốc hội Ukraine cho hay.

Mặt khác, dù không trưng ra được bất kỳ bằng chứng nào nhưng người đứng đầu tổ chức Free Russia Foundation Grigory Frolov lại cáo buộc Nga mong muốn ông Trump, ông Zelenskiy và cả ông Biden yếu thế hơn. Tuần trước, ông Zelenskiy đã ký kết thỏa thuận với phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine về việc tổ chức bầu cử địa phương ở khu vực phe này kiểm soát. Hành động này bị đảng đối lập chỉ trích là sự thỏa hiệp với Nga.

Trước đó đương kim tổng thống cũng gặp người đứng đầu Nhà Trắng ở New York. “Tôi thực sự mong là ông (Zelenskiy) và Tổng thống Putin sẽ ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề giữa hai nước. Tôi biết hai ông đều đang cố gắng để đạt được một thành tựu to lớn” - ông Trump nói với lãnh đạo Ukraine.

Nhà phân tích Konstantin Batotsky cho rằng lời phát biểu này là một “thảm họa” dành cho Ukraine vì ngụ ý rằng Mỹ không thể được tin cậy là một bên hỗ trợ, ủng hộ Ukraine. “Điều đó còn tệ hơn cả cuộc gọi hồi tháng 7” - ông Batotsky nói. Quan trọng hơn là Nga có thể sử dụng vụ bê bối này để miêu tả ông Zelenskiy là bên yếu thế hơn và đang lạc hướng trong việc quản lý đất nước, nhà báo Will Englund nhận xét.

Nga nói Mỹ không liên quan đàm phán Ukraine

Hôm 8-10, Nga bác bỏ việc Mỹ sẽ liên quan đến những cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột giữa chính phủ Kiev và phe đòi ly khai ở miền đông Ukraine. Theo đó, có bốn nước tham gia cuộc đối thoại “Bộ tứ Normandy” bao gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp.

Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng của mình ở Ukraine để góp phần giải quyết xung đột này. “Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng của họ để đảm bảo Ukraine đáp ứng các nghĩa vụ của mình dưới thỏa thuận Minsk càng nhanh càng tốt” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Peskov phát biểu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm