Ông Trump và canh bạc tại Liên Hiệp Quốc

Trong bài phát biểu đầu tiên trước 193 quốc gia của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 19- 9, ông Trump đặt tham vọng thuyết phục các đại biểu về tầm nhìn của ông về cách hợp tác để đối mặt với các thử thách mà không sợ làm tổn hại đến chủ quyền của mỗi nước, tờ The New York Times dẫn lời một vị quan chức Nhà Trắng.

Yêu cầu LHQ cải cách

Tại cuộc họp về cải cách LHQ ở New York ngày 18-9, Tổng thống Donald Trump đã thẳng thắn chỉ trích cơ quan này hoạt động “yếu kém”.

“Trong những năm gần đây, LHQ không phát huy được tối đa khả năng của mình vì tình trạng quản lý yếu kém. Hãy tập trung nhiều hơn vào con người, ít hơn vào bộmáy cồng kềnh” - hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump tại cuộc họp. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng khuyến khích các quốc gia thành viên cần thể hiện sự can đảm để thay đổi cách làm việc của LHQ thay vì cứ “níu kéo cách làm của quá khứ mà hiện giờ không còn hoạt động tốt”. Ông kêu gọi Tổng Thư ký LHQ António Guterres nhanh chóng tiến hành cải cách.

Tổng thống Mỹ cũng khẳng định lập trường không một quốc gia nào phải chịu phần đóng góp ngân sách quá mức. “Chúng ta phải đảm bảo là không có ai, không quốc gia thành viên nào lại phải gánh chịu một phần nặng hơn về mặt quân sự hay tài chính” - ông Trump khẳng định. Trước đó, lúc còn vận động tranh cử tổng thống vào năm 2016, ông Donald Trump từng nhiều lần cho rằng việc Mỹ đóng góp nhiều hơn những nước khác cho LHQ là bất công cho cường quốc này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) trong cuộc họp về cải cách tại trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 18-9. Ảnh: REUTERS

Iran và Triều Tiên vào tầm ngắm

Nhà Trắng cho biết bài phát biểu chính thức của ông Trump cũng chú trọng đến các nước trên thế giới mà Mỹ xem là “đang đe dọa an ninh toàn cầu”. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hành động đối phó những mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran, hai quốc gia mà tổng thống Mỹ coi là “mối đe dọa kép cho an ninh thế giới”.

“Tổng thống Mỹ muốn cảnh báo các nước thành viên LHQ rằng họ sẽ phải “đứng bên lề lịch sử” nếu các nước không hành động đối phó với hai mối đe dọa này. Một trong những chính phủ sẽ bị nêu ra là Triều Tiên cùng tất cả hành động gây bất ổn, thù địch và nguy hiểm của họ, cũng như là chính quyền của Iran” - Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng có liên quan đến bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo ông Richard Gowan, chuyên gia LHQ thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại (ECFR), mặc dù ông Trump chỉ trích LHQ nhưng chính phủ Mỹ vẫn sẽ phải phụ thuộc vào sức tác động ngoại giao của cơ quan này trong nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông Gowan nhận định: “Cách duy nhất để ông Trump có thể tránh được leo thang căng thẳng của bán đảo Triều Tiên là hy vọng rằng Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của Mỹ để kiềm chế Bình Nhưỡng, thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế”.

Ông Trump trước đó đã từng cảnh báo Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “hỏa lực và cơn thịnh nộ” nếu không từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Theo nhận định của ông Jon Alterman, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), bài phát biểu “ra mắt” của ông Trump tại LHQ cũng chính là cơ hội để nhiều nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên gặp và đánh giá về nhà lãnh đạo Mỹ. Theo hãng tin Reuters, ông Trump muốn gửi thông điệp rằng Mỹ muốn “phối hợp cùng các nước vì những mục đích chung chứ không phải để chỉ cho họ phải sống ra sao, nên có hệ thống chính phủ như thế nào”.

______________________________

Cá nhân tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ “đánh” đúng người, “ôm ấp” đúng người và sẽ thể hiện một nước Mỹ mạnh mẽ.

NIKKI HALEY, đại sứ Mỹ tại LHQ, chia sẻ sau khi đọc bản thảo bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm