Ông Trump và bài toán khó Thổ Nhĩ Kỳ

Không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã bác kế hoạch đánh thành trì Raqqa tại Syria của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), được xây dựng công phu bởi chính phủ của người tiền nhiệm. Ông Trump chỉ đạo Bộ Quốc phòng trong vòng một tháng phải trình kế hoạch mới đánh IS ở Syria. Giờ đây khi hạn chót đến gần, ông Trump lại phải đối mặt với bài toán khó mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều làm ông Trump đau đầu hiện tại không chỉ gồm câu hỏi khi nào Mỹ tái chiếm Raqqa mà còn phải tái chiếm bằng cách nào, theo Foreign Policy. Kế hoạch của ông Trump liệu sẽ dựa vào lực lượng tay súng người Kurd (YPG), điều chắc chắn sẽ chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ? Hay trông cậy vào các lực lượng nổi dậy Syria, vốn sẽ tốn thời gian tập hợp sau khi thất thủ thảm hại tại Aleppo?

Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG có liên hệ chặt chẽ với tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Tổ chức này bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và cả Liên minh châu Âu (EU) xem là khủng bố. Với sự hỗ trợ của Mỹ, YPG được mở ra cơ hội hoàn thành mục tiêu chính trị: Nối kết ba khu vực Jazeera, Kobane, Afrin ở bắc Syria thành một vùng tự trị, tương tự vùng tự trị người Kurd ở Iraq. Điều này đe dọa lớn đến an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, trang Foreign Policy bình luận.

Ông Trump sẽ chọn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ hay vũ trang lực lượng tay súng người Kurd ở Syria? Ảnh: AMASDAR NEWS

Trước đây, Ankara đã từng nhân nhượng khi Tổng thống Obama gọi điện thoại trực tiếp thuyết phục Tổng thống Recep Erdogan. Tuy nhiên, các lãnh đạo nước này cũng vạch ra giới hạn đỏ: Mỹ không được vũ trang YPG và YPG không được tiến về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai giới hạn đều bị phá vỡ khiến Ankara mở chiến dịch Lá chắn Euphrates, trực tiếp đưa quân vào Syria ngăn YPG lập vùng tự trị.

Theo Foreign Policy, chính quyền ông Trump sẽ cần thuyết phục người Kurd rằng Mỹ không ủng hộ lập vùng tự trị nhưng nhiều khả năng hai bên sẽ khó đi đến thỏa thuận. YPG đã tiêu tốn nhiều sức lực cho chiến dịch tiêu diệt IS của Mỹ và chắc chắn sẽ đòi hỏi phải được đền đáp tương xứng. Rõ ràng là ông Trump và êkíp đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Syria. Nếu chính phủ Trump quyết định cất binh chờ đợi một ứng cử viên khác xuất hiện để thay thế YPG thì có thể Mỹ sẽ phải chờ đợi rất lâu mới hạ được thành trì Raqqa.

Theo Foreign Policy, chính phủ Trump cũng cần lên phương án cho trường hợp thay đổi thể chế ở Syria. Mỹ cần xác định bên nào sẽ kiểm soát toàn bộ Syria về lâu dài. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ông Trump định sẽ hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Nỗ lực phá băng

Trong hai ngày gần đây, Washington đã có một loạt động thái tiếp cận Thổ Nhĩ Kỳ, nỗ lực phá băng mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước từ cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Tối 7-2, hai nước đã có cuộc điện đàm cấp nguyên thủ đầu tiên kể từ khi ông Trump nhậm chức. Cuộc điện đàm kéo dài 45 phút, hai ông Trump và Erdogan đã cùng khẳng định quan hệ đối tác thân thiết và cam kết cùng hợp tác chống khủng bố ở mọi hình thức.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cũng có chuyến công du đến Ankara vào ngày 9-2, hãng tin Anadolu cho biết. Nhiệm vụ của ông Pompeo khi sang Thổ Nhĩ Kỳ là bàn các biện pháp an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực. Khúc mắc lớn nhất trong mối quan hệ Ankara - Washington chính là nhân vật Fethullah Gulen, một giáo sĩ có sức ảnh hưởng to lớn và bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính ở nước này giữa năm 2016.

__________________________________

40.000 người đã thiệt mạng vì những xung đột giữa PKK và chính quyền Ankara trong nhiều thập niên qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm