Ông Trump sẽ làm gì sau chiến thắng của ông Biden?

Phát biểu hôm 15-12, lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện - thượng nghị sĩ Mitch McConnell chính thức chúc mừng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sau khi kết quả bỏ phiếu đại cử tri cho thấy ông giành 306 phiếu, đài CNN đưa tin. Ông McConnell cũng dành lời khen cho phó tổng thống tân cử Kamala Harris.

Tổng thống Donald Trump (trái) có mặt tại buổi vận động tranh cử của thượng nghị sĩ  Mitch McConnell (phải) ở bang Kentucky hồi tháng 11-2019. Ảnh: REUTERS

Lựa chọn cuối cùng của đảng Cộng hòa

Theo tờ USA Today, chắc chắn sau động thái của ông McConnell sẽ có thêm nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa khác công nhận ông Biden là tổng thống tân cử, bởi ngoài việc là lãnh đạo của đảng, ông còn là tiếng nói đại diện cho nhóm nghị sĩ Cộng hòa có cảm tình với đương kim Tổng thống Donald Trump.

Mặt khác, ngay sau khi chúc mừng ông Biden, ông McConnell đã điện đàm riêng với một số thượng nghị sĩ Cộng hòa và cảnh báo họ không nên có bất kỳ hành động nào cản trở Quốc hội (QH) kiểm và xác nhận phiếu đại cử tri vào ngày 6-1 tới. Theo ông, “những động thái như vậy sẽ đặt tất cả chúng ta vào một tình thế rất khó xử và không đem lại lợi ích gì cả”.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Hill, cố vấn của thượng nghị sĩ McConnell - bà Shelley Moore Capito cũng khẳng định từ lời chúc mừng của ông có thể thấy phần lớn thành viên đảng Cộng hòa đã phát tín hiệu “rõ ràng” rằng không muốn vướng vào vụ kiện tụng nào nữa mà nên tập trung cho nhiệm kỳ và tương lai sắp tới.

 

60

vụ kiện nhằm đảo ngược kết quả bầu cử của ông Trump đã bị các tòa án bang và liên bang bác bỏ trong suốt sáu tuần qua, theo tờ The Hill. Tòa án Tối cao cũng đã hai lần từ chối đơn kiện của đồng minh ông Trump.

Bên cạnh đó, bà Moore Capito cho hay đảng Cộng hòa phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu và điều người dân muốn lúc này là một nền chính trị ổn định, không còn tình trạng chia rẽ giữa các nhóm xã hội, chứ không phải cảnh những chính khách tranh giành ảnh hưởng.

Kế hoạch sắp tới của ông Trump là gì?

Phản ứng trước việc ông McConnell công nhận chiến thắng của đối thủ Biden, Tổng thống Trump cùng ngày đã viết trên Twitter cá nhân kêu gọi đảng Cộng hòa tiếp tục chiến đấu: “Ông Mitch, tôi nhận được tới 75 triệu phiếu phổ thông, nhiều hơn bất kỳ tổng thống đương nhiệm nào trong lịch sử, không thể bỏ cuộc sớm như vậy được. Người dân đang giận dữ”.

Có thể thấy nhiều khả năng ông Trump thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực kiện tụng để đảo ngược kết quả. Một điều rõ ràng khác là động thái của ông McConnell khoét sâu thêm hố sâu chia rẽ giữa ông Trump và phần còn lại của đảng Cộng hòa, một hình ảnh quá khác biệt với thời điểm ông mới nhậm chức hồi năm 2017, khi đảng Cộng hòa bị chỉ trích là “đảng của ông Trump”.

The Hill cho biết một nhóm nghị sĩ đồng minh của Tổng thống Trump, dẫn đầu là hạ nghị sĩ Mo Brooks, đang lên kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở năm bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin khi QH họp kiểm phiếu vào tháng tới. Tuy nhiên, kế hoạch phản đối kết quả này chỉ được QH xem xét nếu được đệ trình bằng văn bản và có chữ ký của ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ.

 

Hai kịch bản có thể xảy ra với ông Trump

Theo tạp chí The National Interest, sau khi QH kiểm và xác nhận phiếu đại cử tri xong vào ngày 6-1, có hai kịch bản có thể xảy ra với Tổng thống Trump.

Một, các hành động của ông Trump cuối cùng không đạt được kết quả gì. Sau khi đưa ra một loạt đơn tố cáo gian lận vào phút chót nhằm vào ông Biden, ông Trump sẽ rút lui về hậu trường khi không còn quyền lực như trước và từ chối tham gia lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Biden. Khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, sự chú ý của giới truyền thông sẽ chuyển hướng khỏi ông Trump. Ông Trump có thể tổ chức các cuộc biểu tình phản đối nhưng có thể sẽ không còn đông đảo như trước, vì lúc này chỉ còn những người thực sự trung thành góp mặt. Twitter của ông Trump cũng có thể sẽ giảm sức thu hút, mất đi số lượng đáng kể người theo dõi.

Hai, ông Trump sẽ tận dụng những thất bại từ tháng 11 đến nay để làm một cú bật dậy bất ngờ. Ông Trump sẽ gom toàn bộ thất bại, từ hàng chục vụ thua kiện cho tới việc không có đủ số phiếu bầu để ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai, dồn vào một chiến dịch lớn hơn cáo buộc cuộc bầu cử đã bị “đánh cắp”, xây dựng hình ảnh ông Biden là một tổng thống bất hợp pháp.

Hai kịch bản này đều có khả năng xảy ra tương đối ngang nhau. Tuy nhiên, National Interest nhận định ông Trump thời gian qua đã thể hiện mình là một nhân vật tháo vát, biết tận dụng tình thế để hướng dư luận theo ý mình. Ông Trump đã “làm tê liệt” đảng Cộng hòa và các phương tiện truyền thông khi buộc họ phải theo dõi mọi nhất cử nhất động của ông. Thậm chí, các cuộc biểu tình hồi cuối tuần trước ở thủ đô Washington, D.C. cũng giúp ông thu hút được sự chú ý vào bản thân.

Chưa có thượng nghị sĩ nào lên tiếng ủng hộ kế hoạch của ông Brooks và chắc chắn sau cuộc điện đàm với ông McConnell thì kịch bản này càng khó xảy ra. Hôm 11-12, thượng nghị sĩ Roy Blunt, người đứng đầu ủy ban phụ trách tổ chức lễ nhậm chức của tân tổng thống của Thượng viện, khẳng định với đài Fox News rằng đến nay ông vẫn chỉ có đúng một ý định duy nhất là hợp tác với ông Biden để đảm bảo lễ nhậm chức diễn ra suôn sẻ.

Ngoài kế hoạch của ông Brooks, một kế hoạch bị đánh giá là không tưởng khác cũng đang được một nhóm nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ ông Trump ở các bang như Michigan, Arizona và Georgia gấp rút triển khai, theo tờ The New York Times. Cụ thể, các nghị sĩ này đang có ý định tự chỉ định mình thành “đại cử tri thay thế” để bỏ phiếu ủng hộ ông Trump và nộp các phiếu này lên QH nhằm vô hiệu hóa các phiếu đại cử tri đã bầu cho ông Biden. Tuy nhiên, The New York Times cho biết kế hoạch này không hề có cơ sở pháp lý nào, chỉ dựa trên các cáo buộc không có bằng chứng là đảng Dân chủ gian lận phiếu phổ thông nên các phiếu đại cử tri bầu cho ông Biden không hợp lệ. “Các “đại cử tri thay thế” cũng không được cơ quan lập pháp bang chứng nhận nên làm sao có quyền bỏ phiếu như đại cử tri bình thường?” - The New York Times đặt câu hỏi.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm