Ông Trump lên tiếng về Triều Tiên, Nga, Trung Quốc

Ngày 17-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền Reuters từ phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Cuộc phỏng vấn kéo dài 53 phút, về nhiều vấn đề nhưng thời lượng dành cho Triều Tiên chiếm phần lớn khi đây là thách thức thuộc hàng lớn nhất ông Trump đang phải đối mặt.

Tại cuộc phỏng vấn, ông Trump cũng thừa nhận Triều Tiên đang tiến nhanh trong các chương trình tên lửa-hạt nhân, sắp có được tên lửa bắn tới Mỹ: “Họ chưa đạt được nhưng họ đang rất gần. Và họ tiến đến mỗi ngày một gần hơn”.

Sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 ngày 29-11-2017, Triều Tiên tuyên bố đã phát triển được tên lửa bắn tới Mỹ. Nhiều chuyên gia cũng đồng ý khả năng này, dựa vào tính toán đường đạn và tầm xa của Hwasong-15 trong vụ thử. Tuy nhiên theo họ, Triều Tiên vẫn còn vướng một số chướng ngại để hoàn tất thành công tên lửa này như động cơ tái nhập khí quyển.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng, ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Nói với Reuters, ông Trump một lần nữa nói ông nghi ngờ về hiệu quả đối thoại với lãnh đạo Kim Jong-un.

“Tôi sẽ ngồi nhưng tôi không chắc ngồi xuống sẽ giải quyết được vấn đề. Tôi không chắc đàm phán sẽ đưa tới được điều gì có ý nghĩa” - ông Trump nói rằng các cuộc thương lượng trước đây giữa các chính phủ tiền nhiệm với Triều Tiên đã không đạt được mục tiêu kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa nước này.

Ông Trump đổ lỗi đích danh ba người tiền nhiệm Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng.

“Tôi đoán tất cả họ đều nhận biết họ sẽ phải để chuyện Triều Tiên lại cho một vị tổng thống có khả năng nhất trong các cuộc thử thách” - ông Trump nói đùa.

Ông Trump từ chối trả lời khi được hỏi liệu ông có sẽ trao đổi với ông Kim hay không, người mà ông đã có nhiều tranh cãi nặng nề trong nhiều tháng qua. Đầu tháng 1 ông Trump từng nói ông sẵn sàng nói chuyện điện thoại với ông Kim nếu Triều Tiên đáp ứng một số điều kiện ban đầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bi quan về hiệu quả đối thoại với Triều Tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng, ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump bi quan về hiệu quả đối thoại với Triều Tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Tại cuộc phỏng vấn, ông Trump hoan nghênh việc hai miền liên Triều khôi phục đàm phán sau hơn hai năm bị ngưng rằng đây có thể là bước khởi đầu trong giải quyết khủng hoảng. Ông Trump nói ông hy vọng vấn đề Triều Tiên sẽ được giải quyết “hòa bình” nhưng cũng bi quan “rất có thể điều này sẽ không thể” đồng thời không loại trừ khả năng quân sự.

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ Mỹ cần thêm hệ thống tên lửa phòng thủ nữa không, ông Trump trả lời dứt khoát: “Có, có chứ. Chúng tôi sẽ đặt hàng thêm tên lửa phòng thủ và cả tên lửa tấn công”.

Về thái độ quốc tế với vấn đề Triều Tiên, ông Trump nhắc cụ thể đến Trung Quốc và Nga. Trong khi hoan nghênh Trung Quốc hạn chế cung cấp dầu và than sang Triều Tiên thì ông Trump lại phàn nàn Nga đang giúp Triều Tiên lẩn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế.

“Nga chẳng giúp chúng ta chút gì về Triều Tiên. Nga còn làm giảm hiệu quả những cái Trung Quốc đang giúp chúng ta. Nói cách khác, Nga đang phung phí những gì Trung Quốc đang làm” - ông Trump nói với Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Trung Quốc nhưng chỉ trích Nga trong thái độ về Triều Tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng, ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh Trung Quốc nhưng chỉ trích Nga trong thái độ về Triều Tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters từ Nhà Trắng ngày 17-1. Ảnh: REUTERS

Reuters hồi tháng 12-2017 dẫn một số nguồn tin an ninh Tây Âu cho biết trong vài tháng qua đã phát hiện ít nhất ba lần tàu dầu Nga đã chuyển dầu cho tàu Triều Tiên ngay giữa biển, vi phạm trừng phạt quốc tế. Nga bác bỏ chuyện mình vi phạm trừng phạt Triều Tiên.

“Ông ấy có thể làm nhiều thứ. Nhưng không may là chúng ta không được sâu đậm trong quan hệ với Nga và trong một số trường hợp có thể thấy những gì Trung Quốc bớt đi được thì Nga lại bù vào. Vì thế kết quả cuối cùng không được tốt như nó có thể” - ông Trump nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin và thái độ của Nga với Triều Tiên.

Cả Trung Quốc và Nga đều phê chuẩn nghị quyết trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với Triều Tiên ban hành cuối năm 2017. Hiện chưa có bình luận từ phía Nga về phát ngôn của ông Trump.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm