Ông Trump khó bẻ lái quan hệ Nga-Mỹ

Ngày 9-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lên Twitter khẳng định đã cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn luận khả năng thành lập “một đơn vị an ninh mạng chung” để đối đầu các vụ tấn công mạng, chẳng hạn như hoạt động can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, ông lại lên Twitter tuyên bố rút lại đề xuất này vì nghĩ nó khó có khả năng thực hiện được.

“Lệch pha”

Vụ việc đã phần nào thể hiện sự “lệch pha” trong nội bộ Washington về các chính sách đối với Moscow. Tổng thống Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc nhưng những cấp dưới của ông và phần lớn giới lãnh đạo Mỹ dường như vẫn chưa muốn điều này xảy ra. Những tuyên bố của ông Trump và các khẳng định của cấp dưới về tương lai mối quan hệ Nga-Mỹ là hai bức tranh hoàn toàn trái ngược.

Tại cuộc họp ngày 7-7 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, tổng thống Mỹ đã khẳng định việc gặp gỡ người đồng cấp phía Nga là một “vinh dự” lớn. Cái bắt tay niềm nở và cuộc thảo luận vượt khung giờ gần hai tiếng cho thấy họ rất muốn mối quan hệ hai nước sang trang. Ông Putin sau đó trả lời báo chí rằng Tổng thống Trump có vẻ đã tin Nga không dính đến bầu cử Mỹ, theo The Guardian.

Cuộc thảo luận cũng đã mang lại kết quả thực chất. Một thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập các vùng giảm xung đột ở khu vực Tây Nam Syria được công bố, với Nga và Mỹ đóng vai trò trung gian then chốt. Tính đến ngày 10-7, tức một ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực, chưa có động thái vi phạm nào được ghi nhận, theo Reuters. “Đây là lúc để bước tiếp và hợp tác mang tính xây dựng với phía Nga” - ông Trump khẳng định trên tài khoản Twitter ngày 9-7 (giờ Mỹ).

Thế nhưng các phát ngôn khác từ giới lãnh đạo Washington lại không mang thông điệp “bước tiếp” như ông Trump kêu gọi. Trả lời CNN, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley tái khẳng định cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Người đại diện của Washington tại LHQ còn đi xa hơn khi cáo buộc Nga đang can thiệp tại nhiều nước khác. “Chúng tôi không thể tin Nga và chúng tôi sẽ không bao giờ tin Nga” - bà Haley nhấn mạnh. Trả lời Fox News, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus khẳng định: “Tổng thống không hề tin lời phủ nhận của Tổng thống Putin”.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khẳng định Mỹ sẽ không bao giờ tin tưởng Nga. Ảnh: AFP

Không lâu sau khi ông Trump tiết lộ ý tưởng hợp tác với Nga đảm bảo an ninh mạng, nhiều thượng nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích. Ông John McCain lên kênh truyền hình CBS chế giễu ý tưởng: “Đương nhiên ông Putin sẽ rất hữu ích, vì chính ông ấy chỉ đạo tin tặc”. Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói hợp tác với Nga về an ninh mạng chả khác gì hợp tác với Syria về chống vũ khí hóa học. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, bà Linsey Graham, chỉ trích ý tưởng hợp tác an ninh mạng với Nga “gần như là điều ngớ ngẩn nhất tôi từng nghe”.

Lực cản từ “sân nhà”

Học giả hàng đầu về quan hệ Nga-Mỹ Matthe Rojansky, Giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson (Mỹ), đánh giá cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin đã mang lại lợi ích cho cả hai nước. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn chưa thể tháo gỡ những rào cản then chốt để bình thường hóa quan hệ.

Viết trên tạp chí National Interest, ông Rojansky nhận định: “Đối với ông Trump, cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin là cơ hội để thúc đẩy ít nhất hai lời hứa trong giai đoạn tranh cử và mới nhậm chức”. Tổng thống Trump đã từng cam kết sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Ông cũng từng nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Nga-Mỹ trong kiểm soát cuộc khủng hoảng Syria và mở rộng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Còn đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp cho ông cơ hội để “đóng chiếc đinh cuối cùng lên “quan tài” chôn vùi chính sách cô lập nước Nga của chính phủ Mỹ tiền nhiệm” - theo Rojansky.

Tuy nhiên, mối quan hệ Nga-Mỹ khó có thể cải thiện nhanh chóng khi còn có quá nhiều vấn đề bất đồng. Không những thế, áp lực từ các vấn đề chính trị nội bộ hai nước sẽ ngăn Moscow và Washington đột ngột quay trở lại thân thiện. Đối với Mỹ là áp lực từ các cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Còn đối với chính phủ ông Putin, áp lực từ các cuộc bầu cử sắp đến buộc Kremlin duy trì lập trường mạnh mẽ.

Kịch bản nào tối ưu?

Ông Rojansky nhấn mạnh: “Dù cho chấp nhận đối thoại về các vấn đề tin tặc, Syria và Ukraine, điện Kremlin vẫn không thể chấp nhận thoái lui. Nhà Trắng thì chịu áp lực và giám sát lớn từ Quốc hội nên cũng sẽ không lùi bước”. Theo học giả Mỹ, kịch bản tối ưu hiện nay là Nga-Mỹ tăng cường đối thoại để kiểm soát và ngăn chặn các leo thang quân sự ngoài dự tính giữa hai cường quốc, cũng như các đồng minh của họ tại hai điểm nóng là Syria và Baltic. Mối quan hệ giữa Washington và Moscow trong tình cảnh hiện nay khó tiến xa hơn thế, ông Rojansky nhận định.

___________________________

Đường đến viễn cảnh “bình thường hóa” giữa Kremlin và Washington vẫn bị ngăn cản bởi những xung đột lợi ích sâu sắc, các vấn đề chính trị nội bộ và sự thiếu tin tưởng sâu rộng.

MATTHE ROJANSKY, Giám đốc Viện Kennan - Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm