Ông Trump gặp khó, đàm phán Mỹ-Triều khó suôn sẻ

Hãng tin Yonhap ngày 1-10 dẫn lời Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song kêu gọi Mỹ cần có đề xuất có thể chấp nhận được khi đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Được biết tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Kim chỉ trích “chính sách thù địch” của Washington là nguyên nhân khiến căng thẳng kéo dài. Đại sứ Triều Tiên nhấn mạnh tất cả mọi chuyện giờ đây phụ thuộc vào việc liệu Washington có biến các cuộc đàm phán trong tương lai thành “cánh cửa cơ hội” hay không. “Nếu Mỹ có đủ thời gian tìm ra biện pháp có thể chia sẻ, chúng tôi sẵn sàng ngồi lại thảo luận toàn diện các vấn đề đã cân nhắc” - vị này khẳng định.

ông Trump khó tập trung lo đối ngoại

Theo tờ The Hankyoreh, ảnh hưởng của quá trình luận tội trước mắt sẽ là việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng phải tái phân bổ các nguồn lực và dồn sức xử lý đòn tấn công từ đảng Dân chủ. Đặt trong bối cảnh đàm phán với Bình Nhưỡng, Washington khó có thể giữ vững vai trò trung tâm, đồng thời là bên điều phối cuộc đối thoại.

“Sắp tới chúng ta có thể thấy tốc độ ra quyết định và triển khai chính sách ngoại giao của Mỹ trở nên chậm hơn. Về Triều Tiên, kế hoạch tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều trong năm nay có thể sẽ bị trì hoãn” - GS Kim Jung, ĐH Triều Tiên học (Hàn Quốc), nhận định. Điều này cùng với việc Bình Nhưỡng gần đây đã cho ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa, trong ngắn hạn sẽ khiến Washington muốn giữ nguyên thế đàm phán hiện tại cho đến khi giải quyết xong các vấn đề nội bộ.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại quá trình luận tội ông Trump có khả năng khiến vòng đàm phán phi hạt nhân hóa sắp tới “xôi hỏng bỏng không”. Theo đó, Thượng đỉnh Hà Nội diễn ra trùng với phiên điều trần của cựu luật sư riêng của tổng thống, ông Michael Cohen, người sau đó đã đưa ra những thông tin gây bất lợi cho ông Trump. Chủ nhân Nhà Trắng sau đó cũng đã lên tiếng chỉ trích phe Dân chủ cố tình tổ chức điều trần nhằm cản trở tiến trình đàm phán giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Tổng thống Trump (trái) và Chủ tịch Kim Jong-Un. Ảnh: AFP

Phản ứng khó lường của Bình Nhưỡng

Một ẩn số cũng cần phải cân nhắc là thái độ và phản ứng của Triều Tiên trước những lùm xùm chính trị của ông Trump. Đài KBS World (Hàn Quốc) lưu ý trong lịch sử quan hệ hai nước, khó có một tổng thống Mỹ nào lại tích cực đối thoại với Triều Tiên như ông Trump. Bình Nhưỡng do đó sẽ vẫn muốn đạt được một thỏa thuận với Washington ngay khi điều kiện vẫn có lợi, dù chỉ là thỏa thuận một phần. Mặt khác, ông Trump và đảng Cộng hòa vẫn còn cơ hội tổ chức “phản công”, triệt tiêu động cơ luận tội của phe Dân chủ và thay đổi cục diện chính trường Mỹ theo hướng hoàn toàn khác.

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 5-10 nhưng không nói rõ địa điểm. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA ngày 1-10 dẫn thông báo của Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui cho biết hai nước thống nhất sẽ “tiếp xúc sơ bộ” vào ngày 4-10  trước khi tổ chức đàm phán cấp chuyên viên một ngày sau đó. 

“Những cuộc đàm phán giữa ông Trump và Triều Tiên đã cho những kết quả hết sức rõ ràng và tích cực. Ông ấy có thể sử dụng đàm phán hạt nhân sắp tới để hướng sự chú ý ra xa các thách thức trong nội bộ” - GS Kim Yong-hyun thuộc ĐH Dongguk dự đoán, đồng thời cho rằng nếu nguy cơ từ việc bị luận tội quá cao, ông Trump đơn giản chỉ cần bước khỏi bàn đàm phán tương tự như Thượng đỉnh Hà Nội nhằm gửi một thông điệp cứng rắn rằng ông sẽ không nhún nhường trước sức ép của đảng Dân chủ.

Tuy vậy, GS Kim Jung cảnh báo không thể loại trừ việc Bình Nhưỡng sẽ rút khỏi đàm phán hạt nhân với chính quyền ông Trump nếu lãnh đạo nước này không tin vào khả năng Tổng thống Trump có thể tái đắc cử. “Khi những mơ hồ xung quanh khả năng tái đắc cử của ông Trump tăng dần, Chủ tịch Kim có thể sẽ nghi ngờ khả năng ký được thỏa thuận với Mỹ cũng như nội dung gì sẽ bao gồm trong thỏa thuận” - ông Kim Jung cho biết.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân

Trong bài phát biểu đầu tiên hôm 30-9, sau gần ba tuần kể từ khi bị sa thải, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton khẳng định ông không tin Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, theo tờ The New York Times. “Ông Kim Jong-un sẽ làm bất cứ điều gì để duy trì năng lực vũ khí hạt nhân có thể triển khai được, đồng thời phát triển và mở rộng năng lực đó hơn nữa. Ông ta có thể đàm phán để được nới lỏng cấm vận quốc tế, có thể đưa ra một số nhượng bộ nhưng trong hoàn cảnh hiện thời, ông ta sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân” - ông Bolton nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm