Ông Trump đang thực hiện chiến lược hướng Đông?

Hãng tin AFP ngày 23-6 dẫn thống kê của Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (Trung Quốc (TQ)) Wu Shicun rằng Mỹ đã triển khai khoảng 375.000 binh sĩ cùng hơn 60% tàu chiến, trong đó có ba đội tàu sân bay tấn công đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Ông Wu nhắc lại dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, hải quân Mỹ thực hiện chỉ bốn chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông. Trong khi đó, con số này dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện đã lên tới 22.

Hàng loạt động thái của Mỹ

Theo báo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên kể từ thời Chiến tranh lạnh có một lúc ba đội tàu sân bay tấn công của Mỹ tuần tra TBD. Hai đội tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan đến Biển Đông từ ngày 4-7 và đang triển khai các hoạt động diễn tập ở vùng biển này với mục đích phát tín hiệu cho các đối tác và đồng minh rằng Mỹ đủ khả năng đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Trước đó, hai đội tàu sân bay này cũng đã tập trận tại biển Philippines.

Chưa hết, tháng trước Hạm đội TBD của hải quân Mỹ còn cho biết tất cả tàu ngầm Mỹ sắp triển khai sẽ hoạt động ở tây TBD.

Cuối tháng 6, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói nước này có thể chuyển “hàng ngàn quân” từ Đức sang khu vực AĐD-TBD. Theo ông O’Brien thì Mỹ và các đồng minh ở khu vực này đang đối mặt với thách thức địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói thẳng vụ đụng độ biên giới giữa Ấn Độ với TQ là một trong những lý do Mỹ điều chỉnh các cam kết ở châu Âu để đối phó với các đe dọa mới. Các đe dọa TQ tạo ra với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á cũng như các thách thức ở Biển Đông là lý do để Mỹ chuyển các nguồn lực quốc phòng, trong đó có cắt bớt quân tại Đức và điều sang châu Á.

Tàu sân bay USS Nimitz di chuyển trên biển Philippines trong thời gian tập trận chung với tàu sân bay Theodore Roosevelt. Ảnh: U.S. NAVY

Hình dung chiến lược hướng Đông của ông Trump

Cuối năm 2017, chính phủ ông Trump đưa ra khái niệm “một khu vực AĐD-TBD mở và tự do, nơi các nước độc lập và có chủ quyền, với đa dạng về văn hóa và ước mơ có thể phát triển thịnh vượng cùng nhau, trong sự tự do và hòa bình”. Theo Viện chính sách Brookings (Mỹ), chính phủ ông Trump có nhiều thay đổi trong nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rõ sự nối tiếp giữa khái niệm “một khu vực AĐD-TBD mở và tự do” của chính phủ ông Trump với các chính sách châu Á của các chính phủ tiền nhiệm. Khái niệm này phản ánh sự kiên định của Mỹ trong xác định quyền lợi của mình ở TBD nhiều năm qua.

Thời gian qua, với khái niệm này, chính phủ ông Trump đã có nhiều bước đi với khu vực như xây dựng cơ chế an ninh tập thể thông qua mạng lưới đồng minh và đối tác khu vực. Mỹ đã ra nhiều sáng kiến trong đó có tăng gắn kết ở AĐD và các quần đảo ven TBD. Khái niệm AĐD-TBD của Mỹ cũng cho rằng cần thiết phải đáp trả mạnh hành vi cưỡng ép các đồng minh khu vực và gây bất ổn của TQ.

Theo Viện Brookings, trước đây từng có nghi ngại rằng chính phủ ông Trump có thể xa rời chính sách hướng Đông của Mỹ nhưng chiến lược AĐD-TBD đã khẳng định vị trí quan trọng của châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự nhất quán này tạo điều kiện để Mỹ hợp tác chặt với các đối tác khu vực như Úc, các nước ASEAN.

Quân đội hai nước “cần thiết phải đối thoại” để tránh nguy cơ xung đột.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Đông (TQ) Wu Shicun 

Trung Quốc lo ngại

Theo ông Wu, động thái triển khai quân và khí tài của Mỹ đến khu vực là “chưa có tiền lệ”. Trong khi đó, trong một bài viết trên Hoàn Cầu Thời Báo, ông Qian Feng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược quốc gia thuộc ĐH Thanh Hoa (TQ), cho rằng Mỹ tăng cường chiến lược AĐD-TBD để đối phó TQ. Ông Feng nhắc đến việc Mỹ huy động cùng lúc ba đội tàu sân bay tấn công đến khu vực cũng như ra Đạo luật Ủy quyền quốc phòng tài khóa 2021, trong đó lập Sáng kiến ngăn chặn TBD - một quỹ tài chính nhằm củng cố sức mạnh quân sự Mỹ để ngăn chặn TQ ở TBD. Ông Feng nhắc đến việc Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2019 cùng ra tuyên bố về Chiến lược AĐD-TBD, làm rõ hơn khái niệm và cách thực hiện chiến lược này. Theo ông Feng, Mỹ muốn thiết lập trật tự ở khu vực này cùng với các đồng minh và đối tác, Ấn Độ là nước có vai trò chủ chốt trong Chiến lược AĐD-TBD. Mỹ muốn dùng Ấn Độ kiềm chế TQ.

Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung

Ông Wu và nhiều chuyên gia của TQ cũng lo ngại rủi ro xung đột giữa TQ và Mỹ đang cao hơn bao giờ hết trong bối cảnh các kênh liên lạc giữa quân đội hai nước phần lớn đã bị tê liệt. Các kênh liên lạc có vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn nguy cơ xung đột giữa quân đội hai bên trước nay. Tuy nhiên, các quan chức quân đội TQ đã không gặp những người đồng cấp Mỹ ở Bộ tư lệnh AĐD-TBD kể từ năm 2017. Quan hệ quân sự hai bên xấu đi nhiều sau khi Mỹ rút lời mời TQ tham gia cuộc tập trận hàng hải đa quốc gia quy mô lớn Vòng tròn TBD hai năm trước. Lý do theo phía Mỹ là để trả đũa việc quân đội TQ triển khai các hệ thống tên lửa và máy bay ném bom ra quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Theo ông Wu, với tình trạng hai nước đang đối đầu ở hàng loạt mặt trận thì “nguy cơ xảy ra sự cố quân sự hay tai nạn nổ súng đang tăng lên”. Ông Wu cảnh báo việc quan hệ quân sự xấu đi sẽ làm tăng đáng kể rủi ro đụng độ, xung đột, thậm chí là một cuộc khủng hoảng nguy hiểm. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm