Ông Tập lần đầu đến khu tự trị Tây Tạng với tư cách chủ tịch nước

Trong hai ngày 21 và 22-7, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên với tư cách người đứng đầu Trung Quốc đến Tây Tạng để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trung tâm hành chính và tôn giáo của khu tự trị này, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.

Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến khu vực trong hơn 30 năm qua.

Mặc dù ông đã đến sân bay Nyingchi Mainling ở phía đông nam Tây Tạng vào hôm 21-7, nhưng không có tin tức gì về chuyến thăm của ông cho đến hai ngày sau đó.

Hình ảnh ông Tập trong chuyến thăm Tây Tạng ngày 21-7. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Sau khi được cán bộ và người dân thuộc các dân tộc "chào đón nồng nhiệt", ông Tập đã đến cầu sông Nyang để tìm hiểu về việc bảo vệ sinh thái và môi trường của sông Yarlung Tsangpo và sông Nyang, theo kênh truyền hình nhà nước CCTV.

Ông Tập cũng đã đến thăm Bảo tàng Quy hoạch Thành phố Nyingchi và các khu vực khác để xem xét quy hoạch phát triển đô thị, phục hồi nông thôn và xây dựng các công viên đô thị.

Ngày 22-7, ông đến ga xe lửa Nyingchi để tìm hiểu về việc lập kế hoạch cho tuyến đường sắt Tứ Xuyên - Tây Tạng trước khi bắt chuyến tàu đến Lhasa. Tại Lhasa, ông Tập đã đến thăm tu viện và ghé qua quảng trường trong khuôn viên Cung điện Potala, theo Tân Hoa Xã.

Tại đây, ông phát biểu: "Hiện Trung Quốc đã bước vào một chặng đường mới xây dựng toàn diện một đất nước hiện đại, sự phát triển của Tây Tạng cũng đứng ở điểm xuất phát lịch sử mới".

Đồng thời, ông nói rằng thông qua đoàn kết dân tộc, "giấc mơ về sự trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Quốc" có thể được thực hiện, theo Tân Hoa xã.

Ông Tập đã đến thăm Tây Tạng hai lần, một lần vào năm 1998 với tư cách tỉnh trưởng Phúc Kiến và một lần khác vào năm 2011 với tư cách là phó chủ tịch. Chủ tịch Trung Quốc cuối cùng đến khu tự trị này là ông Giang Trạch Dân vào năm 1990.

Tây Tạng, một trong những nơi cao nhất thế giới ở độ cao 3.656 m so với mực nước biển và nằm gần biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ, được coi là có tầm quan trọng chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều người Tây Tạng lưu vong cáo buộc chính quyền trung ương đang làm xói mòn văn hóa của họ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm