Ông Tập không còn giới hạn nhiệm kỳ

Quốc hội Trung Quốc (TQ) ngày 11-3 đã chính thức thông qua đề xuất điều chỉnh hiến pháp nước này, trong đó có đề xuất bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước và phó chủ tịch nước.

Mở khả năng nắm quyền lâu dài

Bản dự thảo chỉnh sửa hiến pháp đã được đệ trình vào ngày 5-3, trong phiên họp thứ nhất của kỳ họp Quốc hội khóa 13, tờ People’s Daily cho biết. Tham dự phiên thảo luận ngày 7-3, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh hiến pháp TQ là một quyết định lớn của Ủy ban Trung ương của đảng Cộng sản TQ (CPC) mang ý nghĩa toàn diện và chiến lược trong giữ gìn và phát triển mô hình xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc TQ trong thời đại mới.

Kết quả bỏ phiếu ngày 11-3 sẽ cho phép ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch nước TQ kể cả sau khi ông chấm dứt nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023. Việc Quốc hội TQ thông qua đề xuất chỉnh sửa hiến pháp thật ra không quá bất ngờ do những đặc trưng của hệ thống chính trị tại nước này. Song tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định tỉ lệ chấp thuận cực kỳ cao tại Quốc hội TQ giúp xây dựng một hình ảnh nhất trí cao độ của giới lãnh đạo TQ về đề xuất gây tranh cãi này. Với kết quả bỏ phiếu vào ngày 11-3, cả ba chức vụ lãnh đạo mà ông Tập Cận Bình đang đảm nhiệm (tổng bí thư CPC, chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy Trung ương) đều không có giới hạn nhiệm kỳ.

Kể từ khi đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ được hé lộ vào ngày 4-3, đã xuất hiện nhiều quan điểm lo ngại việc điều chỉnh hiến pháp sẽ mở đường cho lãnh đạo TQ có “nhiệm kỳ trọn đời”. Tờ SCMP nhận định với điều chỉnh lần này trong hiến pháp TQ, ông Tập Cận Bình hoàn toàn có khả năng trở thành một trong những lãnh đạo tại nhiệm lâu năm nhất của nước này. Tờ People’s Daily vào giữa tuần qua đã phải đăng bài xã luận bác bỏ các lo ngại này, cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết đối với điều kiện chính trị hiện nay tại TQ.

Cả ba chức vụ lãnh đạo hàng đầu của TQ mà ông Tập Cận Bình đang đảm nhiệm hiện đều không có giới hạn về nhiệm kỳ. Ảnh: AFP

Một đại biểu Quốc hội TQ tham dự phiên bỏ phiếu ngày 11-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Đợt điều chỉnh lớn nhất trong 36 năm

Tờ SCMP đánh giá đây là đợt điều chỉnh hiến pháp có mức độ thay đổi lớn nhất trong vòng 36 năm qua. Đã có tổng cộng 21 điều khoản được điều chỉnh và một điều khoản được bổ sung.

2.964 đại biểu Quốc hội TQ đã bỏ phiếu cho ý kiến về đề xuất chỉnh sửa hiến pháp nước này. Trong số đó, chỉ có hai phiếu phản đối đề xuất, ba người bỏ phiếu trắng và một phiếu bầu không hợp lệ. Còn lại 2.958 phiếu bầu đều ủng hộ đề xuất chỉnh sửa hiến pháp, theo SCMP

Bên cạnh đó, sự ủng hộ tại Quốc hội cũng nằm ở vị trí cao chưa từng có tiền lệ kể từ bản hiến pháp năm 1982. Trong đợt chỉnh sửa năm 1999, có đến 21 trong số 2.860 đại biểu bỏ phiếu phản đối và 24 đại biểu bỏ phiếu trắng với đề xuất đưa “lý thuyết Đặng Tiểu Bình” vào hiến pháp. Vào năm 2004, có 10 người trong số 2.890 đại biểu bỏ phiếu phản đối và 17 đại biểu bỏ phiếu trắng đối với các đề xuất đưa lý thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân vào hiến pháp cũng như điều khoản bảo vệ tài sản tư nhân, theo SCMP. Trong khi vào đợt bỏ phiếu ngày 11-3, chỉ có hai đại biểu bỏ phiếu phản đối và ba đại biểu bỏ phiếu trắng.

Bên cạnh nội dung bỏ giới hạn nhiệm kỳ lãnh đạo, hiến pháp được chỉnh sửa của TQ cũng chính thức xem Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC), siêu cơ quan chống tham nhũng mới của nước này, là một cơ quan nhà nước. NSC sẽ mở rộng quy mô chiến dịch chống tham nhũng bao trùm lên toàn bộ những ai làm việc trong lĩnh vực công, từ quan chức hay lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đến cả giáo viên, bác sĩ và nhà báo, theo SCMP. Động thái này được đánh giá là để củng cố cơ sở pháp lý cho Ủy ban kiểm tra và kỷ luật trung ương (CCDI) của CPC. Nhiều ý kiến lo ngại rằng NSC sẽ trở thành cơ quan siêu quyền lực vì đứng trên cả tòa án và viện kiểm soát.

Năm lần chỉnh sửa hiến pháp

Bản hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1954. Bản hiến pháp hiện hành của TQ được thông qua vào năm 1982, dưới thời của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Điều luật giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước cũng được đặt ra trong bản hiến pháp này và là một di sản chính trị quan trọng của ông Đặng nhằm hạn chế những xung đột về quyền lực từng là nguyên nhân của thời kỳ Cách mạng văn hóa.

Với cuộc bỏ phiếu ngày 11-3, hiến pháp năm 1982 như vậy đã có tổng cộng năm lần được sửa đổi, bổ sung. Các lần sửa đổi trước đó diễn ra lần lượt vào các năm 1988, 1993, 1999 và 2004 dưới giai đoạn của hai nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Đề xuất chỉnh sửa hiến pháp TQ được tổ chức bỏ phiếu xem xét thông qua nếu như được đệ trình bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc hơn 1/5 tổng số đại biểu Quốc hội. Đề xuất chỉnh sửa hiến pháp được thông qua phải được hơn 2/3 tổng số đại biểu ủng hộ trong kỳ họp thường niên của Quốc hội TQ, theo People’s Daily.           

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm