Ông Ramos sang Hong Kong thuyết khách

Trưa 8-8, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (tổng thống từ năm 1992 đến 1998), 88 tuổi đã lên đường sang Hong Kong.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã bổ nhiệm ông làm đặc phái viên để dàn xếp đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp biển Đông.

Cùng đi với ông có bà Amelita Ramos - vợ ông, cựu Bộ trưởng Nội vụ Rafael Alunan III, cựu giám đốc hãng tin ABC Network chi nhánh Bắc Kinh Chito Sta Romana và cháu trai Samuel Ramos Jones, 24 tuổi.

Trang tin Rappler (Philippines) đưa tin tại cuộc họp báo trước khi lên đường, ông Ramos diễn tả chuyến đi của ông nhằm phá băng trong quan hệ Philippines-Trung Quốc.

Ông cho biết Tổng thống Duterte đã dặn dò chỉ cần đổi mới tình hữu nghị với Trung Quốc là đủ, còn tốt hơn nữa là tiến tới đàm phán song phương chính thức trong tương lai gần giữa hai nước.

Ông tiết lộ đã có trao đổi trước với một số bạn cũ Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Fidel Ramos tại cuộc họp báo trước khi lên đường đi Hong Kong. Ảnh: AP

Ông không tiết lộ danh tính và chỉ nói những nhân vật này có lợi ích thương mại với Philippines, vài người từng lúc có làm việc cho chính phủ.

Khi được hỏi ông có nêu ra các vấn đề cấp thiết như ngư dân Philippines bị quấy rối khi đánh cá trên biển Đông hay không, ông trả lời: “Cái đó còn tùy coi họ có đặt ra hay không”.

Ông cho biết có một hay hai cuộc đối thoại ở Hong Kong và Hong Kong được chọn làm điểm gặp gỡ vì gần đại lục.

Báo South China Morning Post cho biết cựu Tổng thống Fidel Ramos khẳng định ông không phải là người đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp biển Đông vì ông không được giao thẩm quyền làm việc đó.

Ông giải thích chuyến đi của ông chủ yếu là tái lập quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh mà thôi.

Các cuộc tiếp xúc giữa ông với các đối tác là chặng đầu tiên mở đường cho đàm phán song phương chính thức.

Ông thừa nhận sức khỏe và tuổi tác là trở ngại trong chuyến đi bởi ông đang mắc bệnh huyết áp, bệnh tim và đường trong máu cao.

Do đó, vợ ông sẽ làm hộ lý lo thuốc men cho ông. Cháu ông tốt nghiệp kinh tế chính trị ĐH Yale sẽ làm công việc ghi chép và báo cáo chuyến đi cho Bộ Ngoại giao.

Trong khi đó, Tân Hoa xã bình luận lạc quan rằng chuyến thăm của ông Ramos mang lại nhiều hy vọng hai nước sẽ trở lại bàn đàm phán song phương về vấn đề tranh chấp biển Đông.

Tân Hoa xã hết lời tán dương ông Ramos là lựa chọn tốt nhất cho công việc phá băng bởi ông là nguyên thủ quốc gia được đất nước ông và các nước châu Á trọng vọng.

Ông đã có quá trình lâu dài trao đổi hữu nghị với Trung Quốc và đây là lợi điểm duy nhất giúp ông có thể kết nối lại quan hệ song phương.

Sau khi tán dương ông Ramos, Tân Hoa xã quay sang bài xích chính phủ của Tổng thống Aquino trước đây không đoái hoài đến yêu cầu giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đàm phán song phương mà thúc đẩy giải pháp trọng tài.

Cựu Tổng thống Fidel Ramos nổi tiếng là thân Trung Quốc trong những năm làm tổng thống. Năm 1998, ông đã góp phần thành lập Diễn đàn châu Á Bác Ngao.

Các nhà phân tích ở Trung Quốc đánh giá chuyến đi của cựu Tổng thống Fidel Ramos ít có cơ hội mang lại thay đổi lớn về tranh chấp biển Đông vì chắc chắn Philippines không thể làm lơ phán quyết trọng tài trong lúc đối thoại với Trung Quốc. Dù vậy, chuyến đi có thể mở đường cho nhiều cuộc trao đổi cấp cao đa phương giữa Manila và Bắc Kinh trong những tháng tới. Sự kiện Philippines đưa đặc phái viên đến Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy hai nước mong muốn tiến hành đàm phán.

___________________________________

Hong Kong là vùng đất “trung lập” của hai bên. Trung Quốc có thể mời ông Ramos đến thăm Bắc Kinh nếu chuyến đi Hong Kong của ông đạt kết quả tốt. Bằng không, ông Ramos có thể quay về Manila mà không bị mất mặt. Nếu ông đến Bắc Kinh trực tiếp mà không đạt được kết quả tích cực nào giữa hai bên, có lẽ tốt nhất là không nên xúc tiến đàm phán.

Chuyên gia TRƯƠNG MINH LƯỢNG
ở ĐH Tế Nam (Trung Quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm