Ông Putin: Trung-Ấn đồng ý cùng sản xuất vaccine COVID-19 Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và Ấn Độ về việc hợp tác sản xuất vaccine ngừa COVID-19 do Nga phát triển, báo South China Morning Post đưa tin.

Phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hôm 17-11, ông Putin kêu gọi toàn khối BRICS “hợp lực” để sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 của Nga.

Ông Putin cho biết Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - đơn vị tài trợ chi phí phát triển vaccine Sputnik V - đã thỏa thuận thành công với các công ty dược của Ấn Độ và Trung Quốc để sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 do Nga phát triển. Trước đó, Ấn Độ và Brazil đã cho phép thử nghiệm vaccine của Nga trên quy mô lớn ở hai nước này.

Tổng thống Nga cho biết nước này đã cấp phép cho hai loại vaccine ngừa COVID-19, bao gồm loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới là Sputnik V. Một loại vaccine thứ ba đang được tiếp tục nghiên cứu. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS (trực tuyến) hôm 17-11. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu hôm 17-11, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng “việc phối hợp các biện pháp tập thể” để đối phó đại dịch COVID-19 là một ưu tiên của khối BRICS. Trong đó, Nga sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong khối “trong sản xuất và sử dụng” các loại vaccine ngừa COVID-19 mà chính quyền Moscow đã cấp phép.

“Đã có vaccine của Nga - chúng hoạt động hiệu quả và an toàn. Việc hợp lực để sản xuất hàng loạt sản phẩm này phục vụ việc lưu hành rộng rãi là điều rất quan trọng” - ông Putin nói.

Cả hai loại vaccine ngừa COVID-19 mà Nga đã cấp phép đều vấp phải sự nghi ngờ và chỉ trích của cộng đồng quốc tế do chưa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn.

Ngày 9-11, các nhà khoa học Nga cho biết theo số liệu ban đầu về việc thử nghiệm quy mô lớn, vaccine Sputnik V thể hiện mức hiệu quả 92%. Các chuyên gia quốc tế lưu ý rằng quy mô thử nghiệm Sputnik V (20 người) là nhỏ hơn nhiều so với các thử nghiệm tương tự của các hãng dược Mỹ.

Trước đó, trong cùng ngày 9-11, công ty Pfizer (Mỹ) công bố kết quả thử nghiệm trên 94 người, cho biết vaccine ngừa COVID-19 của hãng này hiệu quả đến hơn 90%. Ngày 16-11, công ty Moderna (Mỹ) cho biết đã theo kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên 95 người, mức độ hiệu quả là 94,5%.

BRICS là khối liên kết kinh tế của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nga là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2020 nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cuộc họp đã được chuyển sang hình thức trực tuyến.

Trong khối này, Nga và Trung Quốc là hai nước đầu tiên trên thế giới cấp giấy phép cho các loại vaccine ngừa COVID-19.

Viện Butantan - trung tâm nghiên cứu sinh học hàng đầu tại bang Sao Paulo (Brazil) - cho biết sau quá trình thử nghiệm vaccine CoronaVac (do công ty Trung Quốc Sinovac phát triển và đã được Bắc Kinh cấp phép), kết quả ban đầu là vaccine thể hiện tính an toàn cao.

Khoảng 10.000 tình nguyện viên ở Brazil đã tiêm đủ hai mũi CoronaVac thử nghiệm và 2.000 người khác đang tiếp tục quá trình thử nghiệm.

Một tình nguyện viên trong số này đã chết. Cảnh sát Brazil cho biết đây là một vụ tự tử. Viện Butantan xác nhận vụ việc thương tâm này không liên quan tới loại vaccine đang được thử nghiệm.

Ngày 17-11, Giám đốc Viện Butantan, ông Dimas Covas cho biết trung tâm này sẽ nhận được lô vaccine CoronaVac thành phẩm đầu tiên trong tuần này.

Lô hàng này sẽ là phần đầu tiên trong kế hoạch của Viện Butantan để mua sẵn 46 triệu liều vaccine CoronaVac trong thời gian chờ giới chức Brazil cấp phép sử dụng loại vaccine này vào tháng 1-2021. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm