Ông Putin, ông Tập vẫn im lặng về việc ông Biden thắng cử

Ngay sau khi nhiều cơ quan thông tấn báo chí hàng đầu của Mỹ đồng loạt công bố ứng viên Dân chủ Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng chúc mừng ông Biden.

Tuy vậy, một số nhà lãnh đạo một số nước lớn vẫn chưa gửi lời chúc mừng tới ông Biden, trong số này có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chưa chúc mừng vì chờ tranh chấp pháp lý được giải quyết

Theo kênh Al Jazeera, Tổng thống Mexico – ông Andres Manuel Lopez Obrador cho hay ông chưa thể chúc mừng ông Biden cho tới khi tất cả thách thức pháp lý liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ được giải quyết.

“Chúng tôi không muốn liều lĩnh” – ông Lopez Obrador nhấn mạnh trong một cuộc họp báo hôm 8-11.  

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bữa ăn trưa với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Floria hồi tháng 3. Ảnh: Jim Watson/ AFP/ Getty Images

Tổng thống Lopez Obrador cho biết thêm Mexico đã có quan hệ tốt đẹp với cả Tổng thống Trump lẫn ông Joe Biden. Ông Lopez Obrador ca ngợi Tổng thống Trump “rất tôn trọng chúng tôi”.

Một số nhà lãnh đạo duy trì quan hệ hữu hảo với chính phủ ông Trump cũng im lặng về chiến thắng của ông Biden, chẳng hạn như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Trong cuộc chạy đua tổng thống của ông Biden, ông Bolsonaro từng có lần bất hòa với ông Biden.

Trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên với ông Trump hôm 29-9, ông Biden nói rằng Mỹ cần thiết phải thúc đẩy Brazil bảo vệ tốt hơn rừng nhiệt đới Amazon. Ông Bolsonaro đã gọi tuyên bố này là “cực kỳ tệ hại”.

“Thật xấu hổ, ông Joe Biden” – ông Bolsonaro viết trên Twitter khi đó.

Ông Tập, ông Putin chưa bình luận

Trước cuộc bầu cử Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow sẽ làm việc với bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Mỹ, song vẫn chưa có bình luận chính thức từ Điện Kremlin về chiến thắng của ông Biden, theo đài NBC News.

Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump bị cáo buộc tỏ ra đồng tình với ông Putin, người ông Trump gọi là “nhà lãnh đạo mạnh mẽ” bất chấp nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trao đổi tại hội nghị thượng đỉnh thượng đỉnh APEC ở Việt Nam năm 2017. Ảnh: Jorge Silva / REUTERS

Ông Biden là người có quan điểm cứng rắn với Nga, tháng trước ông gọi Nga là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia Mỹ. Điện Kremlin cho rằng đánh giá này của ông Biden đã khuyến khích sự đối đầu của Nga.

Ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Duma quốc gia (Hạ viện) Nga nói với hãng tin TASS hôm 8-11 rằng ông Biden không có khả năng thực hiện những điều chỉnh tích cực đối với chính sách về Nga của Mỹ. Theo ông Slutsky, lý do là đích thân ông Biden tham gia khởi động các lệnh trừng phạt chống Nga khi ông còn làm phó tổng thống Mỹ.

Một số chuyên gia nhận định mối quan hệ giữa ông Putin và ông Biden trong bốn năm tới có thể sẽ không nồng ấm như từng có với ông Trump.

Ngay cả trước khi diễn ra bầu cử Mỹ, Trung Quốc đã nói rằng nước này không can dự vào các vấn đề của các quốc gia khác, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã không ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về việc ông Biden thắng cử.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ sụt giảm nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Trump về thương mại, công nghệ, đại dịch COVID-19, nhân quyền.

Tuy nhiên, một số người ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nói rằng họ thở phào nhẹ nhõm vì chiến thắng của ông Biden.

Ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan năm 2014. Ảnh: Anadolu

“Tôi vui mừng khi hay tin ông Biden chiến thắng, vì trong nhiệm kỳ của ông Trump, ông ấy đã khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rất căng thẳng. chúng tôi hy vọng sẽ có hòa bình dưới thời ông Biden” – ông Zhou Tianfu, 55 tuổi, nhân viên rửa xe tại Bắc Kinh nói.

Kênh Al Jazeera đánh giá mối quan hệ lung lay Mỹ-Trung dưới thời ông Trump có thể còn tiếp tục dưới thời ông Biden. Ông Biden đã nhiều lần công kích Trung Quốc còn mạnh mẽ hơn cả ông Trump.

Ông Biden từng tuyên bố sẽ dẫn đầu chiến dịch quốc tế nhằm “gây sức ép, cô lập và trừng phạt Trung Quốc”.

Đội tranh cử của ông Biden cũng lên án các hành động của Trung Quốc chống lại người Hồi giáo tại Tân Cương là “tội diệt chủng”.

“Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc” – ông Biden nói trong một bài báo hồi tháng 3 khi dịch COVID-19 hoành hành.

“Cách hiệu quả nhất để đối mặt những thách thức này là xây dựng một mặt trận đoàn kết giữa các đồng minh và đối tác của Mỹ để chống lại các hành vi ngang ngược và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc” – ông Biden nhấn mạnh.

Mặc khác, ông Biden cũng nói về việc tìm kiếm hợp tác với Bắc Kinh về những vấn đề như biến đối khí hậu, an ninh toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể xung đột về vấn đề người Kurd tại Syria dưới thời ông Biden

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng chưa công khai bình luận về chiến thắng của ông Biden.

Ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan năm 2014. Ảnh: Anadolu

Không đề cập cuộc bầu cử Mỹ, hôm 8-11, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã dành thời gian chúc mừng Tổng thống Guinea Alpha Condé tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba .

Theo nhận định của NBC News, Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ thất bại nhiều hơn so với hầu hết quốc gia khác từ chiến thắng của ông Biden vì ông Biden sẽ đưa ra lập trường cứng rắn chống lại sự can thiệp quân sự nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ và việc nước này hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.

Tuy vậy, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 8-11 cho hay việc ông Biden thắng cử sẽ không thay đổi các mối quan hệ giữa Washington và Ankara.

“Các kênh liên lạc sẽ hoạt động như trước đây, nhưng tất nhiên sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp”- ông Oktay nói. Ông nói thêm Ankara sẽ theo dõi sát sao cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Biden.

Ông Biden và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng xung đột về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Lực lượng này được coi là xương sống trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Mỹ nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm