Ông Putin dự thượng đỉnh bộ ba về Syria

Tổng thống ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai về tình hình Syria vào hôm nay (4-4) tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc họp sẽ bàn về biện pháp chấm dứt cuộc nội chiến Syria, nay đã bước sang năm thứ tám. Cuộc gặp thượng đỉnh trước đó của bộ ba này về Syria diễn ra tại Sochi (Nga) tháng 11-2017.

Syria trước bước ngoặt lịch sử

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa bộ ba lãnh đạo Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong bối cảnh Syria đang trải qua nhiều diễn biến quan trọng. Phe chính phủ Syria sắp sửa tuyên bố tái chiếm thành công toàn bộ vùng Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus bị phe nổi dậy kiểm soát trong sáu năm qua. Sau hơn một tháng bị không kích ồ ạt, ba nhóm nổi dậy lớn đã lần lượt đầu hàng và rút khỏi khu vực này. Tại phía Bắc, chiến dịch “Cành ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tiến đánh các tay súng người Kurd (YPG) ở TP Afrin đạt được thành công lớn. Trong khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từng là một nỗi khiếp đảm ở Syria giờ chỉ còn kiểm soát khoảng 5% lãnh thổ.

Theo Al-Monitor, điểm nhấn trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa bộ ba Vladimir Putin, Hassan Rouhani và Recep Tayyip Erdogan sẽ là số phận của tỉnh Idlib. Đây là vùng căn cứ cuối cùng của phe nổi dậy, nơi đang đón nhận hàng ngàn tay súng di tản từ Đông Ghouta rút về. Hãng tin này nhận định Nga và Iran rõ ràng muốn Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ảnh hưởng của mình thuyết phục các nhóm nổi dậy ở Idlib đầu hàng chính phủ Syria mà không để xảy ra đổ máu vô ích.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lý do để ưng thuận. Từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch “Cành ô liu” đã có ý kiến đồn đoán rằng nước này bắt tay với Nga để được bật đèn xanh cho chiến dịch, đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có nhượng bộ giảm hậu thuẫn phe nổi dậy. Đồn đoán này càng được khẳng định với sự im lặng của Thổ Nhĩ Kỳ khi quân Syria và Nga tăng cường không kích phe nổi dậy để chiếm lại Đông Ghouta. Ngoài ra, quân chính phủ Syria giờ đây thành thạo chiến thuật: phong tỏa, không kích, đề nghị đầu hàng đã được kiểm chứng thành công ở Đông Ghouta và cả Aleppo năm 2016. Nếu chiến sự xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đón thêm hàng trăm ngàn dân Syria chạy nạn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải), Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong cuộc gặp tại Sochi (Nga) ngày 22-11-2017. Ảnh: AP

Bộ ba chi phối cục diện Syria

Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ chính là bộ ba lực lượng quân sự nước ngoài hàng đầu, ngoại trừ liên quân Mỹ, đang hoạt động ở Syria. Uy tín bộ ba này ngày càng tăng khi phương Tây đang miễn cưỡng can dự quân sự sâu hơn tại Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-3 tuyên bố Mỹ sẽ rút quân “rất sớm, nhường việc chăm sóc Syria cho các nước khác”. Bước đi này nếu được thực hiện chắc chắn uy tín bộ ba Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tăng cao.

Nga có sức mạnh không quân áp đảo ở Syria. Các lực lượng thân Iran lại rất mạnh trên các chiến trường mặt đất Syria. Trong khi đó, ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc tăng mạnh sau khi thực hiện thành công chiến dịch “Cành ô liu”. Cả ba cường quốc khu vực này đều sẵn lòng đầu tư nguồn lực quân sự vào Syria nhằm tác động đến kết quả cuộc nội chiến.

Bộ ba này vào năm ngoái đã ra mắt cuộc hòa đàm Syria ở Astana (Kazakhstan), song song với cuộc hòa đàm do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneva. Theo nhà phân tích Elizabeth Teoman tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), cuộc hòa đàm Astana là nơi bộ ba cường quốc tìm cách quản lý cuộc chiến và bảo vệ các quyền lợi của mình ở Syria. Không khó hiểu khi nhiều chuyên gia, trong đó có Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Thổ Nhĩ Kỳ) Sinan Ulgen cho rằng cục diện chiến trường Syria giờ phụ thuộc vào ba nhà lãnh đạo Putin, Erdogan và Rouhani.

Tuy nhiên, theo CNN, cuộc chiến Syria sẽ không chấm dứt một cách đơn giản với cuộc gặp thượng đỉnh giữa bộ ba Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ vì thiếu vắng nhân tố chủ chốt là Syria. Hơn nữa, nhiều chuyên gia vẫn bi quan về tính bền vững dài hạn của liên minh khi ba nước đều có lịch sử xung đột với nhau và có quan điểm khác nhau về chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 2-4 bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giữ lời rút quân khỏi Syria sau khi đánh thắng IS. Ngày 29-3, tại bang Ohio (Mỹ), ông Trump nói rằng Mỹ có thể sớm rút quân khỏi Syria, nhường việc chăm sóc Syria cho nước khác. Theo ông Lavrov, phát ngôn này cho thấy ông Trump vẫn giữ cam kết rút quân khỏi Syria sau khi đánh thắng IS.

Phát ngôn này của ông Trump mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của nhiều quan chức cấp cao Mỹ. Tháng 1-2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói Mỹ hiện diện tại Syria “không chỉ để đánh IS mà còn để kiềm chế ảnh hưởng của Iran”. Lý do nữa Mỹ phải duy trì quân ở Syria ngay cả sau khi đánh xong IS, theo cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson là nhằm tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm Syria do Liên Hiệp Quốc bảo trợ với mục tiêu chấm dứt thời gian cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

                 _______________________________

Ông Erdogan là một đối tác yếu nếu nói về sức mạnh chiến trường mặt đất và kiểm soát không phận. Tuy nhiên, ông Erdogan đã xây dựng được thanh thế và chứng minh có thể làm được nhiều việc ở chiến trường Syria.

Nhà phân tích ELIZABETH TEOMAN, Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm