Ông Pompeo: Biển Đông không là đế chế hàng hải của Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 27-6 cho biết Washington hoan nghênh lập trường về việc giải quyết vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra vào ngày 26-6, theo báo Hindustan Times.

“Mỹ hoan nghênh khẳng định của các nhà lãnh đạo ASEAN rằng các tranh chấp ở Biển Đông được giải quyết theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS (tức Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển)” – ông Pompeo viết trên trang Twitter cá nhân.

Nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cũng khẳng định: “Trung Quốc không thể được phép đối xử Biển Đông như là đế chế hàng hải của họ. Chúng tôi sẽ có nói thêm về chủ đề này sớm thôi” – quan chức Mỹ viết thêm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và bảo đảm Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tuyên bố viết: “Lo ngại về việc cải tạo, những diễn biến gần đây và những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các lãnh đạo khẳng định sự cần thiết phải tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”.

Liên quan đến tình hình Biển Đông, Ngoại trưởng Pompeo ngày 2-6 đăng một bài tweet khác nói rằng Mỹ đã gửi công thư lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bình luận về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 11-6 nêu rõ: “Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc”.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần.

“Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)” - người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.

Theo bà Hằng, cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp Quốc coi trọng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm