Ông Hun Sen nêu cách tiếp cận của Campuchia cho năm Chủ tịch ASEAN 2022

Tờ Phnompenh Post dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 8-8 cho biết Campuchia sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2022, dự kiến trong vòng năm tháng tới, mặc dù ASEAN đang phải đối mặt những thách thức lớn liên quan đại dịch COVID-19 và sự cạnh tranh địa-chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Hun Sen khẳng định lập trường trên trong thông điệp dài bốn trang nhân kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ASEAN (8-8-1967). Campuchia gia nhập ASEAN năm 1999.

Ông Hun Sen nêu cách tiếp cận của Campuchia cho năm Chủ tịch ASEAN 2022. Ảnh: PHNOMPENH POST 

Theo Phnompenh Post, sau khi ca ngợi những thành tựu mà ASEAN đã đạt được, ông Hun Sen cho biết: “Hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt một trở ngại rất lớn trên con đường của mình. Những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 - bắt đầu từ đầu năm ngoái - đã phần lớn đẩy các nền kinh tế khu vực và toàn cầu vào suy thoái và khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn”.

“Đồng thời, sự cạnh tranh địa-chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc đã leo thang thành các cuộc chiến thương mại và công nghệ và điều này gây áp lực lớn hơn đối với hòa bình, an ninh và sự thịnh vượng trong ASEAN nói chung” – ông Hun Sen cho hay.

Những thách thức này cũng bao gồm các vấn đề mới nổi và phi truyền thống như tốc độ chuyển đổi xã hội do công nghệ, biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường cũng như tội phạm xuyên quốc gia, gồm nạn buôn ma túy, buôn người và khủng bố.

Cách tiếp cận của Campuchia cho năm chủ tịch ASEAN 2022

“Trong năm chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia sẽ nỗ lực thúc đẩy cách tiếp cận hành động theo định hướng dựa trên sự cởi mở, trung thực, thiện chí, đoàn kết và hòa hợp trong ASEAN để giải quyết hiệu quả những thách thức chung mà khu vực đang đối mặt” – ông Hun Sen nhấn mạnh.

Vị thủ tướng cho biết Campuchia sẽ tìm cách đảm bảo các lợi ích cho người dân trong toàn khu vực, không bỏ sót bất kỳ ai và sẽ thực thiện với sự ủng hộ và đoàn kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài khu vực.

Theo ông Hun Sen, vấn đề ưu tiên cao nhất của ASEAN hiện nay là phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu trước những gián đoạn kinh tế trong tương lai.

Ông cho biết ưu tiên tiếp theo là hợp tác tăng cường thực hiện năm mục tiêu trong khuôn khổ phục hồi toàn diện của ASEAN, bao gồm tăng cường hệ thống y tế, tăng cường an ninh con người, tối đa hóa tiềm năng của thị trường nội khối ASEAN và mở rộng hội nhập kinh tế, thúc đẩy thông tin kỹ thuật số bao trùm và tiến bộ hướng tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Campuchia dự định thúc đẩy các sáng kiến của ASEAN như kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN 2025 và sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn IV. Ông Hun Sen cho hay ASEAN vẫn là một khu vực quan trọng đối với thương mại, đầu tư và chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

“Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy việc bảo vệ người lao động nhập cư và tăng cường chương trình nghị sự hỗ trợ về phát triển xanh và toàn diện” - ông Hun Sen cho hay, nói thêm rằng việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phụ nữ và doanh nhân trẻ sẽ là những lĩnh vực được chú trọng.

Ông Hun Sen cho biết Campuchia sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh tích cực của ASEAN trên trường quốc tế và giữ cho khu vực này hoạt động tích cực trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

“Khi chúng ta cùng nhau tiếp tục hành trình này, tôi tin tưởng rằng ASEAN đã chuẩn bị tốt để vượt qua tất cả những thách thức chưa từng có nhằm chứng minh một lần nữa rằng chúng ta có quyết tâm và năng lực để tăng cường hơn nữa và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực vì an sinh của người dân” - ông Hun Sen nhấn mạnh.

Những thách thức của Campuchia trong năm chủ tịch ASEAN 2022

Phnompenh Post dẫn lời ông Chheang Vannarith - chủ tịch Viện Tầm nhìn Châu Á – nhận định Campuchia sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề một khi nước này đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2022.

"Dẫn dắt ASEAN trước sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng, tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và xây dựng ASEAN trở lại ngày càng tốt hơn khỏi cuộc khủng hoảng y tế là những thách thức chính mà Campuchia sẽ cần giải quyết trong năm sau" - ông Vannarith nhận định.

Theo ông Kin Phea - giám đốc Học viện Hoàng gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, đây là lần thứ ba Campuchia đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN và điều này chứng tỏ Campuchia đã hội nhập vào các cấu trúc điều hành của khu vực và toàn cầu.

Ông Phea nhận định ASEAN đang phải đối mặt nhiều thách thức khác như vấn đề sử dụng nguồn nước ở khu vực sông Mekong, vấn đề ngoại giao vaccine, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia, nạn nghèo đói, tình trạng vô gia cư và lao động nhập cư, v.v.

“Vì vậy, việc Campuchia giữ vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2022 là cơ hội để nước này thể hiện khả năng cùng giải quyết những thách thức phức tạp này” – ông Phea cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm