Ông Gorbachev nói gì việc Mỹ muốn rút khỏi hiệp định hạt nhân?

Cựu Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev ngày 21-10 lên tiếng đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump không rút Mỹ khỏi Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung (INF), một ngày sau khi ông Trump tuyên bố sẽ rút.

Theo ông Gorbachev, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định INF “là một sai lầm”.

“Chúng ta không nên xé bỏ các thỏa thuận giảm trừ quân bị cũ dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Có phải Washington thật sự không hiểu được hành động này sẽ dẫn tới điều gì?” - Interfax dẫn lời ông Gorbachev.

Hiệp định INF được Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (ngồi, trái) ký với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (ngồi, phải) năm 1987. Ảnh: THE DURAN

Hiệp định INF được Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev (ngồi, trái) ký với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (ngồi, phải) năm 1987. Ảnh: THE DURAN

Trước khi ông Gorbachev lên tiếng, nhiều quan chức hàng đầu Nga cũng chỉ trích quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định INF của ông Trump. 

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov so sánh hành động này như một hình thức “hăm dọa”.

“Chúng tôi lên án âm mưu tìm sự nhượng bộ của Nga thông qua hăm dọa, hơn nữa lại về một vấn đề có tầm quan trọng với an ninh quốc tế và an ninh trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân, duy trì sự ổn định chiến lược. Đây sẽ là một bước đi rất nguy hiểm mà tôi chắc chắn không những sẽ không có được sự ưng thuận mà còn bị lên án nghiêm trọng từ cộng đồng quốc tế” - Thứ trưởng Ryabkov nói với TASS ngày 21-10.

Tuần này Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có chuyến thăm Nga và dự kiến ông sẽ thông báo ý định rút Mỹ khỏi Hiệp định INF với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một người phát ngôn điện Kremlin nói với Telegraph rằng ông Putin sẽ hỏi ông Bolton thêm nhiều điều để làm rõ vấn đề, khi hai ông gặp nhau.

Hai ông Gorbachev (phải) và Reagan (trái) bắt tay trong lần gặp đầu tiên năm 1985. Ảnh: REAL CLEAR POLITICS

Hai ông Gorbachev (phải) và Reagan (trái) bắt tay trong lần gặp đầu tiên năm 1985. Ảnh: REAL CLEAR POLITICS

Hiệp định INF được ông Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký năm 1987, là bước đi rất quan trọng thời điểm đó nhằm làm giảm căng thẳng Chiến tranh lạnh. Hiệp định INF cấm mọi tên lửa trên mặt đất tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn 500-5.500 km, cả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và mang đầu đạn thông thường. Theo nội dung Hiệp định INF, hai bên đã cắt giảm 2.692 tên lửa. Cụ thể, Mỹ cắt giảm 846 tên lửa, Nga cắt giảm 1.846 tên lửa.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Mỹ liên tục cáo buộc Nga vi phạm Hiệp định INF khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật bị cấm đe dọa các nước châu Âu và các nước thuộc Liên bang Xô viết cũ nay thân phương Tây. 

Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison đầu tháng này cảnh báo Mỹ có thể sẽ buộc phải ra tay “dọn dẹp” các tên lửa Nga triển khai vi phạm Hiệp định INF.

“Giờ là lúc Nga phải ngồi vào bàn đối thoại và chấm dứt các vi phạm”- bà Hutchison nói với báo chí tại Bỉ.

Tuy nhiên, sau đó bà Hutchison minh định lại bà không có ý nói Mỹ sẽ đánh phủ đầu Nga.

Hiệp định INF ngăn cản Mỹ triển khai vũ khí mới đối phó với các nỗ lực củng cố vị thế ở Tây Thái Bình Dương và kìm giữ các lực lượng hải quân Mỹ của Trung Quốc. Trung Quốc không tham gia Hiệp định INF, vì thế không bị giới hạn trong việc phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm