Ông Biden nói đang từng bước gầy dựng lại sự tín nhiệm cho nước Mỹ

Ngày 13-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đã khôi phục sự hiện diện của mình trên trường thế giới khi ông thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, theo hãng tin AP.

Theo ông, hội nghị thượng đỉnh giữa bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) giúp ông kết nối với một thế hệ lãnh đạo mới từ một số quốc gia quyền lực nhất thế giới và đoàn kết chặt chẽ hơn các đồng minh trong việc giải quyết đại dịch COVID-19 và các thách thức từ Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Sau khi kết thúc ba ngày của cuộc họp, ông gọi đây là cuộc gặp "mang tính cộng tác và có hiệu quả đặc biệt" và cho biết ông đã thực sự nhiệt tình với sự tham gia của mình.

"Nước Mỹ đã quay lại dẫn đầu thế giới cùng với các quốc gia chia sẻ những giá trị sâu sắc nhất mà chúng tôi đã nắm giữ" - ông Biden nói tại một cuộc họp báo trước khi rời hạt Cornwall, nơi diễn ra cuộc họp G7 để đến thăm Nữ hoàng Elizabeth II tại Lâu đài Windsor.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong việc thiết lập lại sự tín nhiệm của những người bạn thân nhất đối với nước Mỹ" - ông nói.

Ngoài ra, ông Biden đã để lại dấu ấn của mình với G7 bằng cách tuyên bố cam kết chia sẻ 500 triệu liều vaccine COVID-19 với thế giới và thúc giục các đồng minh làm điều tương tự. Các nhà lãnh đạo hôm 13-6 đã xác nhận ý định tặng hơn 1 tỉ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp trong năm tới.

Ông Biden gọi chiến dịch tiêm chủng toàn cầu là "một dự án liên tục trong một thời gian dài". Đồng thời, ông cũng bày tỏ hy vọng thế giới có thể dập tắt đại dịch vào năm 2022 hoặc 2023 và cho biết Mỹ có thể tài trợ thêm 1 tỷ liều vaccine cho thế giới trong những năm tới.

Ngoài ra, ông Biden cũng đấu tranh để ra tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về ngôn ngữ cụ thể dùng để chỉ trích Trung Quốc liên quan vấn đề nhân quyền trong nỗ lực biến sự cạnh tranh với Bắc Kinh thành cuộc cạnh tranh định nghĩa của thế kỷ 21.

Tổng thống từ chối thảo luận về các cuộc đàm phán riêng về điều khoản này, nhưng nói rằng ông "hài lòng" với lời lẽ cứng rắn, mặc dù giữa các đồng minh vẫn còn khác biệt về cách thức mạnh mẽ để gọi Bắc Kinh.

Canada, Anh, Pháp và Nhật phần lớn tán thành quan điểm của chính quyền Biden, trong khi Đức, Ý và Liên minh châu Âu tỏ ra do dự trong các cuộc đàm phán, theo một quan chức cấp cao giấu tên đã thông báo với các phóng viên.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận "các quốc gia có mức độ tin tưởng khác nhau về mức độ của thách thức".

"Nhưng khi bạn cộng tất cả lại, kết quả tổng thể lớn hơn tổng các phần của nó bởi vì có một quan điểm rộng rãi rằng Trung Quốc đưa ra một thách thức đáng kể đối với các nền dân chủ trên thế giới, trên một số khía cạnh khác nhau" - ông Sullivan nói.

Các nhà lãnh đạo cũng chấp nhận lời kêu gọi của ông Biden về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

Ngầm chỉ trích người tiền nhiệm Donald Trump - người đã nói rằng các quốc gia khác nên trả tiền cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài, ông Biden nói rằng ông không coi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương như một "công cụ bảo vệ". Ông Biden cũng báo cáo rằng các nhà lãnh đạo toàn cầu hài lòng khi tổng thống Mỹ chấp nhận các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu.

"Một trong những điều mà một số đồng nghiệp của tôi đã nói với tôi khi tôi ở đó là: 'Chà, giới lãnh đạo Mỹ đã nhận ra có hiện tượng ấm lên toàn cầu'" - ông Biden nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm