Ông Biden công du 8 ngày: Tin tốt và tin xấu cho Trung Quốc

Theo tờ South China Morning Post ngày 20-6, chuyến công du mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden mang đến một tin tốt và một tin xấu cho Trung Quốc.

Chuyến công du kéo dài tám ngày, bao gồm các hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để thống nhất quan điểm của phương Tây chống lại Trung Quốc về nhân quyền và triển khai quân sự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP

Thách thức cho Trung Quốc

Nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất bắt đầu khi các nhà lãnh đạo nhóm G7 kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc đại dịch COVID-19 và yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản" ở Hong Kong và Tân Cương.

Sau đó, trọng tâm chuyển sang Brussels (Bỉ), nơi NATO, lần đầu tiên trong lịch sử 72 năm hoạt động đã lên tiếng khẳng định Trung Quốc đặt ra những thách thức "mang tính hệ thống". Ngoài ra, liên minh quân sự này bày tỏ lo ngại về hợp tác quân sự Trung - Nga.

Tiếp đến, một ngày sau, Mỹ và EU đã thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ để đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Theo ông Tang Xiaoyang, GS quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, một trong những mục tiêu của Tổng thống Biden trong chuyến đi là đoàn kết các đồng minh châu Âu để chống lại Trung Quốc và gia tăng áp lực lên Bắc Kinh.

"Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của mình và tất cả các cam kết của họ với các quốc gia khác đều có liên quan Trung Quốc" - theo GS Tang.

Trong khi đó, các nhà quan sát khác chỉ ra rằng sự gắn bó của ông Biden với châu Âu phản ánh tầm quan trọng của việc thực hiện các chuyến công du nước ngoài.

Theo Viện Lowy của Úc, Trung Quốc đã vượt Mỹ về các chuyến thăm của người đứng đầu tới các nước khác. Trung bình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện 14,3 chuyến công du nước ngoài mỗi năm kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, so với 13,9 của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và 12,3 của người kế nhiệm Donald Trump.

Ông Tập đã ngừng các chuyến đi như vậy kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19, và chủ yếu thực hiện các cuộc họp thông qua hình thức trực tuyến. Chuyến đi của ông Biden là một dấu hiệu cho thấy Mỹ muốn có cách tiếp cận vấn đề trực tiếp hơn, theo ông Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh.

'Vẫn có tin tốt'

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một điều may mắn cho Bắc Kinh là không phải tất cả các nước lớn trong khối EU đều áp dụng cách tiếp cận giống Washington trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo ông Song Luzheng, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Phục Đán, điều quan trọng cần lưu ý là sự khác biệt trong giọng điệu giữa Pháp, Đức và Mỹ.

"Có thể thấy Pháp, Đức và Ý không đồng ý với việc coi Trung Quốc là kẻ thù" - ông Song nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặc biệt rõ ràng, nói rằng G7 không thù địch với Trung Quốc và NATO không nên nhầm lẫn các mục tiêu của mình.

"Một điều rất quan trọng là chúng ta không nên phân tán trong nội bộ và không thiên vị đối với Trung Quốc" - ông Macron nhấn mạnh.

"Điều này lớn hơn nhiều so với chỉ là vấn đề quân sự. Đó là kinh tế. Nó mang tính chiến lược. Đó là về các giá trị. Nó là công nghệ. Và chúng ta nên tránh làm sao nhãng một NATO vốn đã có nhiều thách thức" - ông nói thêm.

Bắc Kinh dường như đã nhận ra được sự khác biệt. Dù các cáo buộc về nhân quyền ở Tân Cương đã dẫn đến các biện pháp trừng phạt ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và EU, song Bắc Kinh đã báo hiệu cách xử lý của họ trong các mối quan hệ với EU sẽ khác cách tiếp cận của họ với Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ L’Opinion của Pháp trong tuần này, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lu Shaye cho biết việc chính trị hóa các vấn đề thương mại là điều đáng tiếc. Song,  Trung Quốc tin rằng các quốc gia và lãnh đạo EU sẽ không bị ảnh hưởng từ "những ồn ào chống lại Trung Quốc".

Theo chuyên gia Song, Trung Quốc sẽ tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Đức và Pháp để duy trì quan hệ với các nước lớn của EU. Đối với các quốc gia nhỏ hơn như Hungary và Hy Lạp, Trung Quốc có thể củng cố quan hệ thông qua ngoại giao vaccine.

"Tóm lại, việc lôi kéo được Pháp và Đức sẽ giúp Trung Quốc giành được sự ủng hộ của EU để cân bằng sức mạnh của Mỹ. Trong khi đó, tập hợp sự ủng hộ của các nước Đông  u trong EU như Hungary và Hy Lạp lại giúp Bắc Kinh kiểm tra và cân bằng các hoạt động nhất định của khối nhắm vào Trung Quốc" - ông nhận định.

Để củng cố lập luận, ông đưa ra dẫn chứng rằng trước đó Hungary đã nhiều lần bác bỏ đề nghị của EU chống lại động thái của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm