Ông Biden cam kết ủng hộ Ukraine khi Nga tăng quân gần Donbass

Hôm 2-4, trong bối cảnh lực lượng Nga tăng cường hiện diện gần biên giới phía đông của Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với người đồng cấp Ukraine rằng sự hỗ trợ của Washington dành cho Kiev sẽ không dao động.

Ông Biden cam kết hỗ trợ vững chắc cho Ukraine

Theo hãng thông tấn Anadolu, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự gây hấn của Nga ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine) và bán đảo Crimea.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Evan Vucci/AP

“Ngài ấy nhấn mạnh cam kết của chính quyền ngài ấy về việc ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Zelenskiy để xử lý tham nhũng và thực hiện chương trình cải cách dựa trên các giá trị dân chủ nhằm mang lại công lý, an ninh và thịnh vượng cho người dân Ukraine” – tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn.

Việc phía Mỹ nói ủng hộ Ukraine cũng Bộ Quốc phòng Ukraine thông tin. Theo trang tin UAWire, Bộ Quốc phòng Ukraine nói rằng trong cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Taran và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin hôm 1-4, phía Mỹ cam kết ủng hộ Ukraine trong trường hợp Nga gây hấn.

Trong cuộc điện đàm theo sáng kiến của phía Mỹ, ông Taran đã nói về các khía cạnh quân sự và chính trị của tình hình ở Donbass, bán đảo Crimea và xung quanh biên giới Ukraine.

Bộ trưởng Taran đặc biệt tập trung vào sự kiện ngày 26-3, khi phe nổi dậy miền Đông sát hại bốn binh sĩ Ukraine. Ông Taran còn chỉ ra sự leo thang trong hành động gây gấn của Nga và sự miễn cưỡng của Moscow trong việc tái khẳng định cam kết của nước này đối với lệnh ngừng bắn.

Về phần mình, Bộ trưởng Austin bày tỏ lo ngại về các hành động của Nga, khẳng định với người đồng cấp Ukraine rằng Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine. Ông Austin nhấn mạnh Mỹ sẽ không để Ukraine một mình và sẽ không cho phép Nga hoàn thành ý định gây hấn của mình.

Ông Taran cho rằng cuộc gọi của ông Austin là minh chứng cho quan điểm tích cực của Mỹ trong việc ủng hộ chủ quyền Ukraine và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Các cuộc điện đàm giữa phía Mỹ và Ukraine diễn ra khi Nga tăng cường lực lượng gần miền đông Ukraine, nơi phe ly khai tiến hành cuộc nổi dậy đẫm máu kể từ năm 2014. Do Nga triển khai quân gần Donbass, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu nâng mức theo dõi lên mức tối đa.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga đã triển khai lực lượng vũ trang bên trong lãnh thổ của nước mình theo ý muốn của nước mình.

“Chuyện này không nên làm phiền bất cứ ai, không đặt ra bất kỳ đe dọa nào cho bất cứ ai. Liên bang Nga đang thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh biên giới” – ông Peskov nhấn mạnh.

Động thái của Moscow đã gây ra phản ứng dữ dội từ giới chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Zelenskiy. Hôm 1-4, ông Zelenskiy tuyên bố Ukraine luôn sẵn sàng đối mặt các hành động khiêu khích.

“Sự phô diễn cơ bắp dưới hình thức tập trận quân sự ở biên giới với Ukraine là nỗ lực gây áp lực trong các cuộc đàm phán về ngừng bắn” – ông Zelenskiy viết trên Twitter.

Ông Zelenskiy nói thêm quân đội Ukraine không chỉ mạnh mẽ và tài năng mà còn khôn ngoan và quyết đoán.

Khi được hỏi về “chiến dịch thông tin sai lệch” của Nga nhằm che đậy chính trị cho các hành động của nước này ở Ukraine, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng “chắc chắn chúng ta đã xem bộ phim này trước đây”, nhắc tới “sự gây hấn của Nga ở biên giới Ukraine”.

“Đó là điều chúng tôi đang theo dõi và lo ngại. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đối tác của chúng tôi và châu Âu về vấn đề này” – bà Psaki nói.

Pháp, Đức ủng hộ chủ quyền của Ukraine

Pháp và Đức bày tỏ lo ngại về tình hình ngày càng trầm trọng ở đường tiếp xúc tại Donbass, đồng thời bày tỏ ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Theo hãng tin TASS, thông tin này thể hiện trong một tuyên bố chung giữa Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas được công bố hôm 4-4.

Một binh sĩ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng thuộc vùng Dobass canh gác một chốt điểm. Ảnh: DW

Theo tuyên bố chung, Pháp và Đức lo ngại về sự gia tăng số lần vi phạm lệnh ngừng bắn, trong khi tình hình miền Đông Ukraine đã ổn định từ tháng 7-2020.

Pháp và Đức đang theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là hoạt động chuyển quân của Nga. Hai nước kêu gọi các bên kiềm chế và ngay lập tức xoa dịu căng thẳng.

“Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bên trong các biên giới được quốc tế công nhận” – tuyên bố chung có đoạn.

Ngoại trưởng hai nước Pháp và Đức nhấn mạnh họ tiếp tục cố gắng thực hiện toàn bộ điều khoản của thỏa thuận Minsk và ủng hộ các cuộc đàm phán về vấn đề này.

Từ ngày 27-7-2020, Nhóm Tiếp xúc giám sát tình hình ở miền Đông Ukraine đã đưa ra các biện pháp bổ sung để kiểm soát lệnh ngừng bắn tại Donbass. Theo thỏa thuận, các bên tham gia xung đột Donbass bị cấm tiến hành các chiến dịch tấn công và trinh sát, cấm sử dụng bất kỳ loại máy bay nào, cấm khai hỏa và triển khai vũ khí hạng nặng tại các khu vực đông dân cư. Một trong những điều khoản quan trọng là sử dụng các biện pháp kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn.

Ngoài ra, việc phản công trong trường hợp bị tấn công chỉ được phép thực hiện sau khi có lệnh trực tiếp từ người chỉ huy.

Tình hình Donbass trầm trọng hơn vào cuối tháng 2. Các cuộc bắn phá được báo cáo gần như mỗi ngày, đặc biệt là sử dụng súng cối và súng phóng lựu. Các bên đổ lỗi cho nhau.

Lầu Năm Góc đang trong tình trạng báo động khi Nga tích cực tăng cường hoạt động ở Đông Âu và Bắc Cực trong tuần qua. Tuần trước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã 10 lần xuất kích máy bay để đáp trả tiêm kích của Nga áp sát không phận liên minh. Ba tàu ngầm hạt nhân Nga đã xuất hiện ở Bắc Cực - được coi màn phô diễn sức mạnh tại một khu vực đầy biến động.

Theo trang tin Politico, Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Bắc của Mỹ thừa nhận sự gia tăng gần đây trong hành động gây hấn của Nga cho thấy Mosow nỗ lực tái khẳng định ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

Chính quyền ông Biden gần đây phê duyệt khoản viện trợ quân sự trị giá 125 triệu USD cho Ukraine để bảo vệ biên giới với Nga. Trong khoản viện trợ này có hai xuồng tuần tra vũ trang và radar chống pháo. Mỹ cam kết hỗ trợ an ninh hơn 2 tỉ USD cho Ukraine từ năm 2014, trong đó có cung cấp tên lửa chống tăng Javelin.

“Chúng tôi rõ ràng không muốn thấy có thêm bất kỳ sự vi phạm lãnh thổ Ukraine nào nữa. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng về các mối đe dọa mà chúng tôi nhìn thấy từ Nga. Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này” – người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói tuần trước.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm