Ông Ban Ki-moon kêu gọi ‘hành động mạnh hơn’ về Myanmar

Hôm 19-4, Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Liên Hợp Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần có hành động nhanh chóng và mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc đàn áp người biểu tình của lực lượng quân đội Myanmar. Bên cạnh đó, ông cho biết mình đã cố gắng tự thực hiện một chuyến thăm ngoại giao tới Myanmar nhưng không thành công, tờ The Hindu đưa tin. 

Ông Ban đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ dân thường bằng tất cả các biện pháp mà Hội đồng có thể thực hiện. 

Theo hãng tin Reuters, ông Ban nói rằng với mức độ nghiêm trọng và cấp bách của tình hình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đương nhiệm Antonio Guterres "nên chỉ đạo tốt các văn phòng của mình để thương thảo trực tiếp với quân đội Myanmar nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang". 

Sau đó, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres đã "rất tích cực tham gia" vào vấn đề Myanmar và "đã tham gia trong một thời gian dài". Bên cạnh đó, ông Dujarric nói rằng các văn phòng và đặc phái viên của Tổng thư ký đương nhiệm luôn sẵn sàng làm mọi việc để chấm dứt bạo lực.  

 Cựu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: UN

Bên cạnh đó, ông Ban cho rằng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN không phải là lý do để khối này “không hành động khi đối mặt tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” ở Myanmar. 

Ông nói rằng: “ASEAN cần phải làm rõ quan điểm với quân đội Myanmar rằng tình hình hiện tại nghiêm trọng đến mức không thể coi đó chỉ là vấn đề nội bộ.”

Theo ông Ban, "việc quân đội sử dụng vũ lực gây chết người và các hành vi vi phạm nhân quyền đối với dân thường là trái với Hiến chương ASEAN. Những hành động này rõ ràng là vi phạm luật pháp quốc tế và gây ra mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực".

Ngoài ra, ông Ban còn cho biết gần đây ông đã yêu cầu thực hiện một chuyến thăm riêng nhằm mục đích gặp gỡ tất cả các bên liên quan để cố gắng giảm leo thang xung đột và thúc đẩy đối thoại. Tuy nhiên, các nhà chức trách của các bên nói với ông rằng một chuyến thăm như vậy "sẽ không thuận tiện vào lúc này".

Tình hình ở Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội nước này tiến hành chính biến, bắt giữ các nhà lãnh đạo dân sự và lên cầm quyền. Biểu tình chống chính biến nổ ra khắp nước và quân đội đã tiến hành đàn áp những người phản đối. Theo nhóm hoạt động của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP),có 737 người đã thiệt mạng do lực lượng quân đội đàn áp biểu tình và 3.229 người phản đối chính biến đang bị giam giữ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm