Obama không nói nhiều về biển Đông

Ngày 31-3 (giờ địa phương), Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp song phương đầu tiên trong năm nay bên lề hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Washington.

Tám điểm hợp tác Mỹ-Trung

Tân Hoa xã ngày 1-4 đưa tin tại cuộc gặp song phương, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tám điểm:

1. Hai bên nỗ lực đào sâu hợp tác thực chất, kiểm soát bất đồng theo cách xây dựng nhằm thiết lập quan hệ song phương mới giữa các nước lớn.

2. Hai nhà lãnh đạo mong muốn cuộc gặp mới tại hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến vào tháng 9 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Hai bên sẽ phối hợp tăng cường thông tin về chính sách kinh tế vĩ mô.

3. Hai bên đã công bố Tuyên bố chung về biến đổi khí hậu và ngày 22-4 tới sẽ ký Nghị định thư Paris.

4. Hai bên nỗ lực thúc đẩy đàm phán về đầu tư Trung Quốc - Mỹ để đạt đến thỏa thuận hai bên cùng có lợi và cả hai cùng thắng trong thời gian nhanh nhất.

5. Hai bên đã công bố Tuyên bố chung về hợp tác an ninh hạt nhân.

6. Hai bên sẽ củng cố hợp tác thực chất giữa hai quân đội, trao đổi văn hóa-xã hội, thực hiện pháp luật, hồi hương người và tài sản tham nhũng, đấu tranh chống khủng bố.

7. Hai bên nỗ lực giải quyết các vấn đề nhạy cảm theo cách xây dựng và xúc tiến hợp tác trong các vấn đề ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

8. Hai bên giữ liên lạc chặt chẽ hợp tác về các vấn đề quan trọng như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân Iran, y tế thế giới, phát triển và duy trì hòa bình.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị an ninh hạt nhân ở Washington hôm 31-3. Ảnh: REUTERS

Vấn đề biển Đông

Ngoài các điểm tích cực hai bên đã đạt được về an ninh hạt nhân, biến đổi khí hậu và CHDCND Triều Tiên, báo Australian Financial Review (Úc) ghi nhận Mỹ-Trung vẫn bất đồng về vấn đề biển Đông.

Tổng thống Obama thông báo hai bên “đã trao đổi thẳng thắn về các lĩnh vực còn bất đồng đáng kể”, trong đó có các vấn đề hàng hải và an ninh mạng.

Ông khẳng định: “Cũng như Trung Quốc và các nước khác, Mỹ có các lợi ích quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Ông Tập đáp lời giữa Trung Quốc và Mỹ còn nhiều bất đồng và “chúng ta cần phải xử lý các bất đồng đó một cách xây dựng, tránh hiểu nhầm, nhận thức sai lệch hay leo thang”.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) nhận định Mỹ dường như không đề cập nhiều đến vấn đề biển Đông trong cuộc hội đàm giữa ông Obama và ông Tập sau nhiều lần hai bên chỉ trích nhau mạnh mẽ trong những tháng qua.

The Diplomat lưu ý ông Obama không nói trực tiếp đến biển Đông trong cuộc họp báo chung với ông Tập. Ông cũng không nhắc lại nguyên tắc về tầm quan trọng của tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông.

Trong khi đó, cho dù chính Trung Quốc xâm phạm chủ quyền các nước ở biển Đông, trong cuộc gặp với ông Obama, ông Tập khăng khăng cho rằng Bắc Kinh tôn trọng, bảo vệ quyền tự do hàng hải và bay qua của các nước khác theo luật pháp quốc tế, rằng Trung Quốc không chấp nhận viện lý do bảo vệ tự do hàng hải để “vi phạm chủ quyền hoặc đe dọa lợi ích an ninh của Trung Quốc”.

Ông nói Bắc Kinh hy vọng Mỹ không tham gia các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Hội đàm ba bên Mỹ-Nhật-Hàn

Cùng ngày 31-3, Tổng thống Obama, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tham dự hội đàm cấp cao ba bên bên lề hội nghị an ninh hạt nhân.

Chủ đề thảo luận chính là CHDCND Triều Tiên.

Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), ông Obama đã kêu gọi quốc tế thực hiện nghiêm túc lệnh cấm vận đối với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh an ninh của ba nước có liên quan với nhau nên ba nước cần phối hợp ngăn chặn và trả đũa các khiêu khích của Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phải chịu cấm vận nặng nề hơn nếu tiếp tục khiêu khích. Thủ tướng Nhật tuyên bố ba nước nhất trí tiếp tục củng cố hợp tác ba bên để đối phó đe dọa từ chương trình hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên.

Ba nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về hợp tác chống khủng bố, biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế và các vấn đề khác.

Sau hội đàm ba bên, Tổng thống Park Geun-hye đã gặp song phương với Tổng thống Obama, Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tại Triều Tiên, lúc 12 giờ 45 ngày 1-4, quân đội Triều Tiên đã bắn một tên lửa đất đối không tầm ngắn ra biển Nhật Bản. Yonhap cho rằng Triều Tiên muốn biểu dương sức mạnh vào lúc vấn đề Triều Tiên được bàn thảo tại Washington.

Trả lời hãng tin Bloomberg (Mỹ) hôm 31-3, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu thông báo Indonesia sẽ triển khai năm máy bay tiêm kích F-16 đến quần đảo Natuna. Ông ví von: “Natuna là cánh cổng. Nếu không canh cổng thì bọn trộm cướp sẽ đột nhập vào trong”.

Ông cho biết Indonesia cũng sẽ triển khai hải quân, không quân, một tiểu đoàn bộ binh, ba tàu khu trục, hệ thống radar mới và máy bay không người lái đến quần đảo Natuna.

Chuyên gia Aaron Connelly ở Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) hỏi đưa máy bay F-16 đến quần đảo Natuna nhằm răn đe hay chống đánh bắt cá trái phép. Bộ trưởng Ryacudu trả lời Indonesia không chỉ biểu dương sức mạnh mà sẽ sử dụng biện pháp ngoại giao chứ không phải quân sự để giải quyết vấn đề.

Ông hy vọng trong chuyến đi Nga vào đầu tháng 4 sẽ kết thúc hợp đồng mua của Nga 8-10 máy bay Sukhoi Su-35. 10 ngày trước, tàu hải cảnh Trung Quốc đã cản trở tàu tuần tra Indonesia áp giải tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại quần đảo Natuna.

Trong khi đó báo The Straits Times đưa tin Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo tối 31-3, Bộ Ngoại giao đã triệu Đại sứ Trung Quốc Hoàng Huệ Khang đến để bày tỏ quan tâm về sự kiện Malaysia phát hiện hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt trong vùng biển Sarawak của Malaysia hôm 24-3 và các tàu cá có tàu hải cảnh hộ tống.

_____________________________

Chúng tôi quan sát thấy diễn tiến và báo cáo không phù hợp với cam kết không quân sự hóa ở biển Đông (của Trung Quốc).

Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ BEN RHODES

_______________________________

Chủ tịch Tập và tôi đều cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và thực hiện toàn diện lệnh cấm vận của LHQ.

Tổng thống OBAMA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm