Obama: Chính phủ mới sẽ duy trì chính sách hướng đông

Ngày 1-8, báo Straits Times (Singapore) đăng bài phỏng vấn qua email Tổng thống Mỹ Barack Obama, trước chuyến thăm Mỹ chính thức của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long – chuyến thăm chính phủ Mỹ đầu tiên của một thủ tướng Singapore kể từ năm 1985.

Điểm xuyên suốt bài phỏng vấn là sự khẳng định của Tổng thống Obama về tầm quan trọng của chiến lược hướng đông của Mỹ. Tổng thống Obama ủng hộ phán quyết biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế, đề nghị Trung Quốc tôn trọng phán quyết.

Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 20-1-2017.

Liệu chính phủ mới của Mỹ có duy trì chính sách hướng đông, liệu người kế nhiệm có tham gia các hội nghị thường niên của châu Á, hay hội nghị Mỹ-ASEAN liệu có còn diễn ra trên đất Mỹ như vừa qua?

Tổng thống Obama khẳng định gắn kết với thế giới, đặc biệt với châu Á-Thái Bình Dương là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ.

Gần một nửa dân số thế giới sống ở châu Á-Thái Bình Dương, khu vực này nắm giữ rất nhiều cơ hội. Đó là lý do Mỹ có sự gắn kết rất mạnh và bền vững với châu Á, đặc biệt với Đông Nam Á trong 8 năm qua, và điều này được hai chính đảng ở Mỹ ủng hộ.

Ông có niềm tin chiến lược hướng đông của Mỹ sẽ được tiếp tục trong nhiệm kỳ tổng thống mới, vì đó là quyền lợi quốc gia của Mỹ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California, Mỹ) ngày 15-2.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại hội nghị Mỹ-ASEAN tại Sunnylands (California, Mỹ) ngày 15-2. (Ảnh: STRAITS TIMES)

Liệu chính phủ Mỹ sẽ duy trì thái độ thế nào với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc ở biển Đông, một khi Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết?

Tổng thống Obama khẳng định Mỹ tôn trọng trật tự dựa vào luật pháp quốc tế, tôn trọng tự do lưu thông hàng hải, giải quyết các tranh chấp trong hòa bình.

Theo ông, đó là cách duy nhất đảm bảo an ninh chung. Mỹ tin các nước lớn không được bắt nạt các nước nhỏ, các nước có chủ quyền cần phải được tôn trọng. Mỹ từ lâu luôn kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua các cơ chế như tòa án trọng tài quốc tế.

Philippines đã có một nỗ lực đúng luật và hòa bình mong giải quyết tuyên bố lãnh hải của mình với Trung Quốc, thông qua một tòa án được thành lập từ Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS).

Phán quyết của Tòa Trọng tài là một quyết định rõ ràng và có tính ràng buộc pháp lý trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông liên quan đến Trung Quốc và Philippines, và nó phải được tôn trọng.

Mỹ tin quyết định này có thể và cần được xem như một cơ hội để tái nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình. Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các nước cùng tranh chấp biển Đông hãy giải quyết bất đồng một cách xây dựng, để biển Đông – tuyến hàng hải rất quan trọng với kinh tế toàn cầu – có thể là một nơi của thương mại và hợp tác.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ không thống nhất trong nói và làm. Mỹ không tham gia UNCLOS nhưng lại đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng UNCLOS. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với các láng giềng Trung Quốc, thực hiện các chiến dịch quân sự ở biển Đông nhưng lại cảnh báo Trung Quốc quân sự hóa biển Đông. Và quan hệ Mỹ-Trung có nguy cơ bị đe dọa vì điều này. Tổng thống Obama có nhận định gì về điều này, và chính phủ Mỹ mới sẽ phản ứng thế nào?

Với câu hỏi này của Straits Times, Tổng thống Obama cho rằng Mỹ tin bất kỳ nước nào cũng tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có các nước ở biển Đông. Đảm bảo luật pháp được tôn trọng là quyền lợi của tất cả các nước.

Các quy định và nguyên tắc là một phần của sự ổn định khu vực, cho phép các nước trong đó có cả Trung Quốc phát triển và thịnh vượng.

Vì thế Mỹ sẽ nỗ lực để các hành động của các bên phù hợp với luật pháp và nguyên tắc quốc tế, bao gồm những quy định trong UNCLOS. Sự hiện diện của Mỹ ở khu vực là điều không mới. Mỹ đã sát cánh với đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương trong hơn 60 năm.

Các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ ở khu vực không nhắm vào nước nào, mà là bảo vệ an ninh chung và giữ gìn một trật tự dựa trên luật pháp, để củng cố hòa bình và thịnh vượng khu vực và thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm