Nước Mỹ hồi hộp với cuộc bỏ phiếu của đại cử tri

Ngày 14-12 (giờ địa phương), toàn bộ 538 đại cử tri 50 bang và thủ đô Washington, D.C. của Mỹ họp mặt tại cơ quan lập pháp từng bang và chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống mới.

Thông thường, mọi năm cuộc bỏ phiếu này chỉ là quy trình mang tính hình thức, hầu như không được để ý. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu năm nay lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đương kim Tổng thống Donald Trump vẫn chưa công nhận chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, quyết tâm theo đuổi đến cùng nỗ lực pháp lý nhằm đảo ngược kết quả.

Ứng viên Joe Biden (giữa) xuất hiện bên ngoài nhà riêng ở bang Delaware, Mỹ hôm 10-12. Ảnh: REUTERS

Những điểm cần lưu ý

Theo tờ The Hill, đại cử tri là những người do các chính đảng ở mỗi bang chọn ra trước cuộc bỏ phiếu phổ thông hôm 3-11 vừa qua. Đảng nào có ứng viên giành được nhiều phiếu phổ thông hơn sẽ được phép gửi đại cử tri đại diện cho bang mình đi bỏ phiếu bầu tổng thống.

Theo cơ chế bầu cử ở Mỹ, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà họ bỏ phiếu cho đại cử tri của đảng mà ứng viên đó đại diện. Nói cách khác, 538 đại cử tri sẽ thay mặt cho 318 triệu cử tri Mỹ để chọn ra tổng thống tiếp theo. Ứng viên tổng thống thắng phiếu phổ thông ở bang nào sẽ giành được toàn bộ lá phiếu đại cử tri ở bang đó. Đại cử tri ở bang nào sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống chiến thắng trong cuộc bầu cử phổ thông ở bang đó.

 

Ông Trump từng tuyên bố sẽ rời Nhà Trắng nếu đại cử tri bầu ông Biden làm tổng thống kế nhiệm, song nhấn mạnh rằng ông không tin sẽ diễn ra kịch bản này.

Sau khi đại cử tri bầu xong, các bang sẽ gửi phiếu về Quốc hội. Phiếu sẽ được kiểm trong phiên họp chung Quốc hội ngày 6-1. Chủ tịch Thượng viện, lúc này đang là Phó Tổng thống Mike Pence, sẽ chính thức công bố tên người chiến thắng.

Tại 32 bang và thủ đô Washington, D.C., luật bầu cử yêu cầu đại cử tri của bang phải bỏ phiếu cho ứng viên chiến thắng trong bầu cử phổ thông, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm hoặc bị phạt tiền. Những đại cử tri này gọi là đại cử tri “bất tín” vì không bỏ phiếu đúng theo nguyện vọng của cử tri. Khoảng 20 bang có thêm quy định loại bỏ phiếu bầu “bất tín” và gạch tên đại cử tri có liên quan để thay người khác. Tòa án Tối cao lâu nay ủng hộ các bang chế tài những đại cử tri “bất tín” như vậy, nên những bang này không bị chỉ trích là vi phạm quyền tự do bầu cử trong hiến pháp.

Ở 18 bang còn lại, đại cử tri chỉ cần đưa ra cam kết là sẽ bầu đúng theo ý nguyện của cử tri chứ không bị ràng buộc pháp lý. Do đó, không có gì cấm họ quay sang bầu cho ứng viên của đảng đối lập, ví dụ như đại cử tri của đảng Dân chủ lại chuyển sang bỏ phiếu cho ông Trump.

Dù vậy, trong lịch sử Mỹ thì hiện tượng đại cử tri “bất tín” rất hiếm xảy ra. Kể từ năm 1948 đến nay, chỉ có 16 đại cử tri “bất tín”, trong đó hết bảy người thuộc kỳ bầu cử năm 2016 - vốn là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên có nhiều hơn một đại cử tri “bất tín”, theo đài BBC. Trong bảy người này thì hai người đã không bỏ phiếu cho ông Trump, còn năm người đã không bỏ phiếu cho bà Clinton.

Ông Trump sẽ làm gì tiếp theo?

Hiện mọi tâm điểm đang đổ dồn vào những bước đi sắp tới của ông Trump trong và sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu đại cử tri. Ông Trump trước đây nhiều lần tỏ ý kỳ vọng sẽ có nhiều đại cử tri “bất tín” rời bỏ hàng ngũ đảng Dân chủ qua bỏ phiếu cho ông. Song song đó, nhà lãnh đạo này cũng đã nỗ lực chọn những nhân vật được đánh giá là cực kỳ trung thành với đảng Cộng hòa vào hàng ngũ đại cử tri nhằm tránh bị thất thoát phiếu, bên phía của ông Biden cũng có động thái tương tự.

 

Đồng minh của ông Trump hành động

Tờ The New York Times ngày 13-12 dẫn nguồn tin nội bộ cho hay một số đồng minh của ông Trump ở Hạ viện, dẫn đầu là nghị sĩ Alabama Mo Brooks đang lên kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại Quốc hội vào ngày 6-1 tới.

Theo Hiến pháp Mỹ, thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri cần được đệ trình dưới dạng văn bản, có chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện. Hiện chưa có thượng nghị sĩ Cộng hòa nào công khai tuyên bố sẽ ủng hộ kế hoạch của ông Brooks. Tuy nhiên, nhiều đồng minh đáng tin cậy của ông Trump, trong đó có thượng nghị sĩ của bang Wisconsin - ông Ron Johnson và thượng nghị sĩ của bang Kentucky - ông Rand Paul đã phát tín hiệu sẵn sàng tham gia vào nỗ lực này.

Như đã nói, việc đại cử tri bỏ phiếu trái ý cử tri rất khó xảy ra hàng loạt. Dù vậy, theo GS Julian Zelizer thuộc ĐH Princeton (Mỹ), cuộc bầu cử năm nay đã là một cuộc bầu cử của những sự bất ngờ nên cũng không nên loại trừ khả năng này. “Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một vài trường hợp như vậy. Với những phát ngôn mà Tổng thống Trump đưa ra gần đây đi kèm với sự trung thành tuyệt đối với một đảng phái ở một số người, điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, xu thế chung hiện tại là gần như nền chính trị Mỹ không còn muốn ông Trump tại vị nữa” - theo ông Zelizer.

Về giai đoạn hậu bỏ phiếu đại cử tri, Tổng thống Trump nhiều ngày qua liên tục tuyên bố sẽ tiếp tục các vụ kiện tụng về kết quả kiểm phiếu phổ thông, đặc biệt là sau khi Tòa án Tối cao hôm 11-12 từ chối thụ lý đơn của bang Texas kiện bốn bang chiến địa (Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin). Trả lời phỏng vấn đài Fox News tuần trước, luật sư riêng của ông Trump - ông Rudy Giuliani cũng lập luận rằng thời hạn 8-12 vừa qua, ngày đánh dấu thời điểm các bang hoàn thành danh sách đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến bầu cử, không có tác động thực tế đến các vụ kiện của tổng thống. Luật sư này lưu ý những thách thức pháp lý kéo dài sau ngày 8-12 “không phải là điều chưa từng có tiền lệ đối với cuộc bầu cử”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm