‘Nữ hoàng ngà voi’ Trung Quốc sa lưới pháp luật

Yang Feng Glan được ví von như “nữ hoàng ngà voi” vì tiền sử khét tiếng của bà trong thời gian cầm đầu đường dây buôn lậu sản vật quý ở châu Phi. 
Bà Glan bị bắt vì tội buôn lậu 706 chiếc ngà trị giá 2,4 triệu USD, tuồn hàng từ Tanzania sang các vùng phía đông. Bà có thể được xem là “trùm buôn lậu khét tiếng nhất từng bị bắt trong lịch sử nước Tanzania” - theo cách nói của Hiệp hội Hành động vì loài voi.
Bên cạnh đó, “má mì ngà voi” này còn dính líu đến đường dây buôn lậu quan trọng khác trải khắp khu vực đông Phi đến Trung Quốc với đông đảo các tổ chức bán và mua phi pháp trong 14 năm qua. 

Chính phủ Tanzania và các đơn vị chống tội phạm xuyên quốc gia đã theo dõi Glan từ hơn một năm nay để vây bắt bà.

 Ngà voi thường là sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất được ưa chuộng ở Trung Quốc (ảnh: AFP)

“Người phụ nữ này thường xuyên ra khỏi Tanzania, sang Uganda nhưng vừa trở về Tanzania hồi tuần qua, nhờ đó lực lượng đặc nhiệm mới nhanh chóng tóm gọn bà ta” - phía hiệp hội cho biết.
Tòa án TP Dar es Salaam (Tanzania) khẳng định nữ quái người Trung Quốc này có thể đối mặt với mức án cao nhất là 20-30 năm tù giam cho hành vi buôn lậu suốt 14 năm qua (2000-2014). Tuy nhiên, nhiều bản cáo trạng ghi nhận y đã hoạt động mạnh mẽ từ những năm 1980. 
Được biết Tanzania là quốc gia có số voi sinh sống nhiều nhất khu vực, song hiện nay đang nằm trong nhóm bị đe dọa vì buôn bán ngà trái phép. 

Theo khảo sát của chính phủ trong tháng 6, nước này đã mất 60% số voi từ năm 2009-2014. Số lượng trên thực tế đã giảm hụt nặng nề từ 109.051 con còn 43.330 con.

 Bà Yang Feng Glan, 66 tuổi, “nữ hoàng ngà voi” của Tanzania (Nguồn: Daily Mail)

Số lượng voi giảm trong năm qua cũng cho thấy sự bất lực ngăn chặn nạn buôn lậu của chính phủ Dodoma. Dư luận chỉ trích nặng nề nhà chức trách nước này vì không có những biện pháp cụ thể chặn đứng các nhân vật buôn lậu cộm cán. Trong khi đó, phần đông những tên lãnh đạo tội phạm đều có liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Hoa tại Tanzania. 
Telegraph cho biết rất khó để đưa các tội phạm người Hoa ra ánh sáng pháp luật.
Được biết Glan đến từ ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Bà sống rất sung túc, sở hữu rất nhiều tài sản và xe hơi. Bà chuyển đến sống ở Tanzania hồi năm 1975 để làm thông dịch viên.
Thông tin từ đội đặc nhiệm còn cho hay Glan có mối làm ăn với rất nhiều công ty nước ngoài, chủ yếu những công ty Trung Quốc. Glan cũng là nhân vật kinh doanh có “máu mặt” trên thương trường Tanzania.
Trước khi bị bắt, bà giữ chức phó chủ tich kiêm tổng thư ký Hội đồng Kinh doanh Trung-Phi ở Tanzania và sở hữu một nhà hàng Trung Hoa lớn nhất TP Dar es Salaam.
Nhân lúc Glan bị bắt, nhiều nhà hoạt động vì động vật kêu gọi chính phủ điều tra những đối tác làm ăn của bà nhằm tóm gọn đường dây buôn bán ngà trái phép. 
Trong diễn biến khác, Li Ling Ling (cũng người Trung Quốc) bị cáo buộc đã cấu kết với bốn người Tanzania trung chuyển ngà voi sang Thụy Sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm