Nỗi ám ảnh Ebola quay lại châu Phi

Đài CNN hôm 8-2 đưa tin một phụ nữ ở Cộng hòa dân chủ Congo (CHDC Congo) đã nhiễm virus Ebola và tử vong sau đó. Ca nhiễm mới này đã đánh dấu sự trở lại của dịch Ebola sau khi quốc gia này tuyên bố đợt dịch thứ 11 chấm dứt vào tháng 11 năm ngoái.

CHDC Congo phát hiện một ca nhiễm Ebola mới. Ảnh: Jerome Delay/AP

Người phụ nữ này xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus Ebola hôm 1-2 tại thị trấn Biena, gần thành phố Butembo và tử vong trong bệnh viện hai ngày sau đó. Chồng của người này trước đó cũng đã nhiễm virus Ebola trong đợt bùng phát trước đó.

“Đội ứng phó địa phương đã làm việc chăm chỉ. Đội phản ứng quốc gia sẽ đến Butembo trong thời gian ngắn để hỗ trợ” - Bộ Y tế nước này thông báo.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện đang hỗ trợ nỗ lực chống dịch Ebola tại nước này, cho biết đã truy vết 70 người có tiếp xúc với người phụ nữ trên, đồng thời tiến hành khử trùng những nơi bà ấy đã đến thăm.

Theo đài CNN, hiện không rõ ca nhiễm mới này có đánh dấu sự bắt đầu của một đợt bùng phát mới hay đó là một đợt bùng phát có thể kiểm soát được từ đợt dịch trước đó. Các mẫu bệnh phẩm của người phụ nữ trên cũng đã được gửi đến Thủ đô Kinshasa để xác định mối liên hệ với đợt bùng phát trước.

“Không có gì lạ khi xuất hiện các trường hợp lẻ tẻ sau một đợt bùng phát lớn” - tổ chức WHO cho hay.

Quốc gia Tây Phi này đã trải qua 11 đợt bùng phát kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên gần sông Ebola vào năm 1976. 

Sự xuất hiện nhiều ca nhiễm Ebola có thể làm phức tạp thêm nỗ lực của CHDC Congo trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, khi số ca nhiễm COVID-19 của nước này khoảng 23.600 ca, trong đó có 681 ca tử vong.

Tuy nhiên, vaccine Ebola và hệ thống y tế tốt sẽ giúp nước này đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh, ngay cả ở các khu vực đô thị

Dịch Ebola có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với dịch COVID-19, tuy nhiên không giống như virus SARS-CoV-2, virus Ebola không lây truyền bởi những người nhiễm bệnh mà không có triệu chứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm