Nobel Y học vinh danh cơ chế tự thực của tế bào

Mùa giải Nobel năm nay bắt đầu với giải Nobel Y học, được trao vào ngày 3-10 cho nhà khoa học người Nhật Yoshinori Ohsumi vì thành tựu phát hiện cơ chế phân tách và tái chế tế bào hay còn gọi là quá trình tự thực tế bào.

Cơ chế này đã được phát hiện hơn 50 năm trước, rằng các tế bào có thể tự hủy các thành phần tự thân bằng cách bọc chúng trong những cái màng và di chuyển chúng đến một ngăn tái chế gọi là tiêu thể.

Tuy nhiên, ý nghĩa của nó chỉ mới được biết đến rộng rãi sau các nghiên cứu điển hình của nhà khoa học Ohsumi thập niên 1990, theo thông cáo trao giải của Viện Karolinska (Thụy Điển).

Tự thực là một tiến trình cơ bản trong chức năng sinh lý của tế bào, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tình hình bệnh tật của người. Tiến trình tự thực cần thiết cho sự thoái hóa và tái chế trong trật tự các phần tế bào hư hỏng. Quá trình tự thực giúp cung cấp năng lượng tái tạo tế bào mới. Một khi tiến trình này bị suy giảm sẽ kéo nhanh sự lão hóa và sự hư hại tế bào.

Các nghiên cứu, thí nghiệm của nhà khoa học Ohsumi giúp chúng ta hiểu được về cơ chế tự thực và tái tạo của tế bào, các tế bào tái chế thành phần của mình thế nào.

Nobel Y học 2016 vinh danh nhà khoa học Nhật Yoshinori Ohsumi với cơ chế tự thực của tế bào.

Nobel Y học 2016 vinh danh nhà khoa học Nhật Yoshinori Ohsumi với cơ chế tự thực của tế bào. Ảnh: AP

Tiến trình tự thực một khi gián đoạn, có đột biến sẽ liên quan đến một số loại bệnh tật như Parkinson, tiểu đường, ung thư, các bệnh về thần kinh. Khi cơ thể bị nhiễm trùng, quá trình tự thực của tế bào giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập tế bào, theo Viện Karolinska.  

Vì thế phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong ngăn cản một số loại bệnh tật nghiêm trọng như phát triển ung thư, tiểu đường.

Trong thông cáo của mình, Viện Karolinska cho biết hiện có một số nghiên cứu nhằm phát triển các loại thuốc có thể ngăn chặn đột biến ở tiến trình tự thực giúp ngăn chặn nhiều loại bệnh tật.

Nghiên cứu của nhà khoa học Ohsumi thực hiện từ thập niên 1990 nhưng đến nay mới được vinh danh. Trước đây vẫn thường có các giải thưởng Nobel được trao cho các phát hiện hàng thập kỷ trước.

Nhà khoa học Yoshinori Ohsumi năm nay 71 tuổi, sinh tại TP Fukuoka (tỉnh Fukuoka, miền Nam Nhật). Ông có bằng tiến sĩ ở ĐH Tokyo năm 1964, sau đó học cao lên ba năm ở ĐH Rockefeller (Mỹ). Hiện ông là giáo sư Viện Công nghệ Tokyo (Nhật).

Trước khi được trao giải Nobel Y học, ông đã từng đạt giải thưởng Kyodo, giải thưởng danh giá nhất của Nhật ghi nhận cá nhân có đóng góp cho toàn cầu.

Theo Thư ký Ủy ban Nobel Thomas Perlmann, nhà khoa học Ohsumi rất ngạc nhiên khi hay tin mình được vinh danh. Ông biết tin khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm. Giải thưởng trị giá 8 triệu crown (khoảng 933.000 USD).

Ohsumi là nhà khoa học Nhật thứ 23 đoạt giải Nobel, là người Nhật thứ sáu được vinh danh ở hạng mục Y học.

Đây là giải thưởng Nobel Y học thứ 107 kể từ khi giải thưởng này được trao lần đầu vào năm 1905.

Năm ngoái, giải thưởng Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học (William Campbell (Mỹ gốc Ireland), Satoshi Omura (Nhật) và Đồ U U (Trung Quốc)) có thành tựu phát triển cách điều trị sốt rét cùng một số bệnh nhiệt đới khác.

Giải thưởng Nobel Vật lý sẽ được trao vào ngày mai 4-10, kế đó là Nobel Hóa học vào ngày 5-10,  Nobel Hòa bình vào ngày 7-10. Các giải thưởng Nobel Kinh tế và Văn học sẽ được trao vào tuần tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm