Nobel Y học 2010: “Công trình nhân bản nhất”

Chủ nhân giải thưởng Nobel Y học được Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska xướng tên vào trưa 4-10 tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển): Tiến sĩ y khoa người Anh Robert G. Edwards với công trình nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF).

Nhiều thành viên Hội đồng Nobel và báo Svenska Dagbladet (Thụy Điển) nhận định ngày 4-10 rằng không ai và không công trình nghiên cứu nào xứng đáng được trao giải Nobel Y học 2010 bằng công trình IVF của Tiến sĩ Robert G. Edwards.

Quan trọng nhất trong đời là có con

Theo ước tính của các tổ chức y khoa thế giới, cứ 10 cặp vợ chồng thì có một cặp bị hiếm muộn con cái. Trước khi IVF ra đời, họ phải chịu đựng bao nhiêu khổ đau, dằn vặt vì không có nhiều hy vọng và cơ hội.

Tiến sĩ Robert G. Edwards được xem là người tiên phong trên thế giới về nghiên cứu hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là nghiên cứu thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp IVF là kết quả của sự chung lưng nghiên cứu của Tiến sĩ Robert G. Edwards và bác sĩ người Anh Patrick Steptoe trong nhiều năm dài.

Nobel Y học 2010: “Công trình nhân bản nhất” ảnh 1

Tiến sĩ Robert G. Edwards cùng cô Louise Brown và con trai trong ngày sinh nhật của cô hồi tháng 7-2008. Ảnh: DAILY MAIL

Tiến sĩ Robert G. Edwards đã bắt đầu nghiên cứu quy trình thụ tinh ở người và thai nghén nghiên cứu IVF vào năm 1950.

Đến năm 1960, khi đang theo học tại ĐH Cambridge, Tiến sĩ Robert G. Edwards bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về phôi thai người vào năm 1960. Ông chính thức bắt tay với bác sĩ chuyên ngành phụ khoa Patrick Steptoe nghiên cứu IVF trong thập niên này và đạt một số kết quả bước đầu vào năm 1968.

Nhưng mãi đến 10 năm sau, lịch sử y khoa thế giới mới chính thức sang trang bằng sự ra đời của cô bé Louise Brown nhờ thụ tinh IVF vào trưa 25-7-1978.

Để có được điều kỳ diệu này, bác sĩ Patrick Steptoe đã thu thập trứng của bà Leslie Brown - mẹ của cô bé Louise Brown - cho Tiến sĩ Edwards thụ tinh bằng tinh trùng người chồng John Brown. Hai ngày sau, trứng được đưa vào tử cung người mẹ.

Vào cái ngày lịch sử, cô bé Louise Brown ra đời khỏe mạnh trong sự tò mò và phấn khích của giới truyền thông khắp nơi. Ấn bản tạp chí Time tại Anh đã chạy hàng tít lớn: “Phép mầu của chúng ta và đứa trẻ của thế kỷ”.

Tiến sĩ Robert G. Edwards từng nói: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời là có con. Không có gì đặc biệt hơn thế. Tôi và Steptoe đã rất đau lòng khi nhìn thấy sự tuyệt vọng của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Chúng tôi đã chiến đấu hết sức mình, vượt qua bao chỉ trích để mang lại hạnh phúc cho họ”.

Nobel Y học 2010: “Công trình nhân bản nhất” ảnh 2

Cặp vợ chồng Lesley và John Brown cùng em bé sơ sinh Louise Brown năm 1978 tại Anh. Ảnh: DAILY MAIL

Rồi vào năm 2008, Tiến sĩ Robert G. Edwards nhớ lại cảm xúc mình đã trải qua vào thời điểm hoàn thành công trình nghiên cứu IVF của mình: “Tôi sẽ không bao giờ quên được cái ngày tôi nhìn xuống kính hiển vi để xem kết quả thí nghiệm trên mẻ cấy. Cái mà tôi nhìn thấy là một phôi thai đang chằm chằm nhìn tôi. Ý nghĩ lúc đó là: Việc xong rồi!”.

Sau thành công của ca thụ tinh IVF đầu tiên, Tiến sĩ Robert G. Edwards và bác sĩ Patrick Steptoe nhận được hàng ngàn lá thư từ các cặp vợ chồng hiếm muộn khắp nơi xin được giúp đỡ. Cả hai quyết định mở BV Bourn Hall ở hạt Cambridgeshire (Anh). Đây được xem là trung tâm IVF đầu tiên trên thế giới, chỉ riêng nơi này đã giúp đỡ và chào đón khoảng 1.000 em bé ra đời nhờ IVF.

Bệnh viện này cũng là nơi Tiến sĩ Robert G. Edwards và bác sĩ Patrick Steptoe phát triển nghiên cứu của mình và đào tạo các nhà chuyên khoa mới về sinh sản.

Sự công nhận của xã hội

Càng về sau, nhờ tiến bộ của khoa học và công nghệ, tỉ lệ thành công của IVF càng cao. Đến thời điểm hiện tại, ước tính thế giới có khoảng 4 triệu trẻ em đã ra đời nhờ phương pháp này. Riêng tại Mỹ, khoảng 1% trẻ em Mỹ sinh ra được y học hỗ trợ, trong đó 99% là nhờ phương pháp IVF, theo số liệu của Bộ Y tế Mỹ năm 2009.

Nobel Y học 2010: “Công trình nhân bản nhất” ảnh 3

Cô Louise Brown bồng hai đứa trẻ sinh đôi trước BV Bourne Hall (Anh) trong ngày kỷ niệm phương pháp IVF tròn 25 năm ra đời, ngày 26-7-2003. Ảnh: REUTERS

Giải Nobel Y học 2010 này không chỉ ghi nhận công lao nghiên cứu y học của Tiến sĩ Robert G. Edwards mà còn là một sự công nhận vô cùng ý nghĩa về mặt xã hội đối với công trình nghiên cứu này.

Trong thời gian dài nghiên cứu, Tiến sĩ Robert G. Edwards và bác sĩ Patrick Steptoe đã từng phải đối mặt với sự phản đối của các cơ quan quản lý y tế Anh, phải duy trì công trình nghiên cứu nhờ vào sự tài trợ của các tổ chức tư nhân. Rất nhiều lãnh đạo tôn giáo và cả nhà khoa học cũng yêu cầu hai ông chấm dứt nghiên cứu vì cho rằng nó không phù hợp tự nhiên, vô đạo đức.

Trong ngày giải thưởng được công bố, cô Louise Brown, năm nay 32 tuổi và đã làm mẹ của một con trai ba tuổi (không nhờ IVF hỗ trợ - một chứng cứ tốt nhất cho thấy IVF an toàn với các thế hệ tương lai), đã rất vui mừng rằng thông tin giải Nobel Y học 2010 được trao cho Tiến sĩ Robert G. Edwards là “một điều tuyệt diệu”, “Tôi và mẹ rất hạnh phúc vì sự cống hiến của một nhà tiên phong trong nghiên cứu IVF đã được công nhận”.

Có quá trễ?

Nhiều chuyên gia y khoa Anh như Giáo sư Martin Johnson chuyên nghiên cứu về khoa học sinh sản tại ĐH Cambridge, Giáo sư y khoa Allan Pacey tại ĐH Sheffield nhận định giải Nobel Y học tới giờ này mới nghĩ tới và vinh danh Tiến sĩ Robert G. Edwards là quá trễ, đồng thời chỉ trích ngành y tế Anh có lỗi trong việc này. Về bản thân mình, trong một bài phỏng vấn năm 2003, Tiến sĩ Robert G. Edwards khẳng định ông không phiền hà gì việc mình cùng công trình nghiên cứu IVF không được khoa học vinh danh.

Tiến sĩ Robert G. Edwards sinh ra tại TP Manchester, vừa đón sinh nhật tròn 85 tuổi cách đây vài ngày. Hiện dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đang tiếp tục sự nghiệp khoa học của mình và kiêm vai trò biên tập cho một số ấn phẩm báo chí y khoa.

Sức khỏe Tiến sĩ Robert G. Edwards không được tốt trong ngày giải Nobel Y học 2010 được xướng lên, thậm chí không đủ để trả lời phỏng vấn. Thư ký Ủy ban bầu chọn giải Nobel 2010 chỉ liên lạc được với vợ ông - bà Ruth Edwards. Bà Ruth Edwards cho biết gia đình rất ngạc nhiên và hài lòng với giải thưởng này.

Phương pháp IVF là công trình nghiên cứu chung của Tiến sĩ Robert G. Edwards và bác sĩ Patrick Steptoe. Nhưng giải thưởng Nobel Y học 2010 trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (1,5 triệu USD) này chỉ được trao cho Tiến sĩ Robert G. Edwards. Riêng bác sĩ Patrick Steptoe đã qua đời năm 1988 và theo quy định của Tổ chức Nobel, giải thưởng không được đồng trao cho ông vì ông đã mất trước khi có quyết định trao giải.

ĐĂNG KHOA (Theo Telegraph, Guardian, Christian Science Monitor)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm