Những sự kiện nóng nhất thế giới 2019

Những sự kiện nóng nhất thế giới 2019

(PLO)- Đây là những sự kiện được thế giới rất chú ý trong năm 2019.

Thương chiến Mỹ-Trung, biểu tình Hong Kong, biển Đông, khủng hoảng Venezuela, đàm phán Mỹ-Triều… làm nóng thế giới trong năm 2019.

Thế giới năm 2019 có những sự kiện gì nổi bật? Hãy cùng nhìn lại những sự kiện nóng không chỉ trong năm 2019 mà có khả năng sẽ kéo cả sang năm 2020.

10. Thương mại Mỹ-Trung

2019 là một năm dài đằng đẵng với thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn không hài lòng không chỉ với sự thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Mỹ mà cả với nhiều chính sách thương mại mà ông cho là thiếu công bằng của Trung Quốc.

Ông Trump muốn Trung Quốc phải tăng mua hàng Mỹ, chấm dứt tình trạng ăn cắp sản phẩm trí tuệ Mỹ, bỏ chính sách buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ với đối tác Trung Quốc nếu muốn làm ăn tại thị trường nước này…

Sau nhiều tháng cảnh cáo, đe dọa, tháng 7-2019 ông Trump chính thức mở màn việc đánh thuế quan đầu tiên lên hàng Trung Quốc nhập khẩu. Và Trung Quốc cũng đánh thuế trả đũa lên hàng Mỹ nhập khẩu. 

Nhiều tháng qua, hai phái đoàn đàm phán hai nước liên tục qua lại gặp nhau mong thống nhất được một thỏa thuận giải quyết được các bất đồng.

Nửa đầu tháng 12, truyền thông Mỹ đưa tin phái đoàn hai nước đã thống nhất được thỏa thuận “giai đoạn 1”, theo đó Mỹ không những hoãn đánh thuế thêm hàng Trung Quốc mà còn giảm mức thuế với các gói thuế quan áp lên hàng Trung Quốc trước đây. Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa được lãnh đạo hai bên chính thức ký.

9. Biểu tình Hong Kong

Năm 2019 Hong Kong chứng kiến một đợt biểu tình dài nhất trong lịch sử TP này: Bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc.

Biểu tình xuất phát từ việc chính quyền Hong Kong ra dự luật dẫn độ, cho phép dẫn giải nghi can sang xét xử tại các lãnh thổ mà Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến họ và du khách tới Hồng Kông bị đặt vào phạm vi tài phán của Trung Quốc đại lục, làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ”, ảnh hưởng quyền lợi của mình.

Vì áp lực biểu tình, ngày 4-9 Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố chấp nhận rút lại dự luật này, và đến ngày 23-10 thì Hội đồng lập pháp Hong Kong chính thức hủy bỏ dự luật dẫn độ.

Tuy nhiên, biểu tình vẫn không chấm dứt. Người biểu tình tuyên bố sẽ chỉ ngừng xuống đường một khi chính quyền Hong Kong đáp ứng toàn bộ năm yêu cầu họ đặt ra: bãi bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ; điều tra độc lập về việc cảnh sát sử dụng bạo lực với người biểu tình; bầu cử tự do dân chủ cho Hong Kong; bỏ thuật ngữ “bạo động” khi mô tả về các cuộc biểu tình ở Hong Kong; thả và bãi bỏ các cáo buộc đối với những người biểu tình bị bắt giữ.

Trong nửa năm biểu tình đã có một người chết do đụng độ trong cuộc biểu tình, hai người chết có thể liên quan đến biểu tình, bên cạnh đó còn có hơn 2.600 người bị thương và khoảng 6.000 người bị bắt.

8. Trung Quốc áp sát các nước ở biển Đông

Tình hình biển Đông năm 2019 nhiều sóng gió mà phần lớn do Trung Quốc gây ra, cụ thể với nhiều hành động uy hiếp các nước cùng tranh chấp.

Với Việt Nam, không chỉ dừng lại ở việc uy hiếp tại các vùng biển tranh chấp mà Trung Quốc còn nhiều lần điều tàu khảo sát đến cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta.

Tàu địa chất Hải Dương 8 (ảnh dưới) cùng nhóm tàu hộ tống bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7. Và từ ngày 4-7 đến 24-10, với tổng số 113 ngày, tàu Hải Dương 8 đã tiến hành bốn đợt khảo sát trái phép xâm phạm vùng biển gần bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động của Trung Quốc  vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trong năm 2019 Trung Quốc đưa hơn trăm tàu áp sát đảo Thị Tứ (thuộc chủ quyền Việt Nam mà Philippines đang chiếm đóng trái phép).

7. Đàm phán Mỹ-Triều dậm chân tại chỗ

Nếu như năm 2018 được đánh dấu bằng sự lạc quan trong đàm phán Mỹ-Triều thì đến năm 2019 sự lạc quan này không còn nữa.

Sau lần gặp thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 tại Hà Nội không ra được tuyên bố chung, tiến trình đàm phán hai bên nhằm giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên bị ngưng trệ. 

Những tháng gần đây, Triều Tiên bắt đầu có nhiều vụ thử các vật thể bay mà các chuyên gia cho rằng là tên lửa tầm ngắn. Triều Tiên ra thời hạn đến hết năm 2019 cho Mỹ phải thay đổi chính sách thù địch với mình.

Đầu tháng 12, phái bộ Triều Tiên tại LHQ tuyên bố chấm dứt đàm phán hạt nhân với Mỹ thì thực chất với Mỹ đây chỉ là một “trò câu giờ”. Phía Mỹ vẫn chủ trương khôi phục đàm phán với Triều Tiên.

6. Ông Trump bị luận tội

Một trong những chủ đề được chú ý nhất năm 2019 là việc ông Trump bị Hạ viện Mỹ điều tra luận tội.

Ông Trump bị cáo buộc cố tình phong tỏa một khoản hỗ trợ quân sự cho Ukraine và sẽ chưa gặp Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng chừng nào Ukraine chưa điều tra cha con ông Joe Biden (cựu Tổng thống Mỹ và đang là đối thủ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020) và nghi ngờ Ukraine can thiệp bầu cử Mỹ. 

Cuối tháng 9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố mở cuộc điều tra. Và sau hai tháng điều tra, đầu tháng 10, Ủy ban Tình báo Hạ viện hoàn tất báo cáo và gửi sang Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

Ngày 10-12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện công bố hai cáo buộc luận tội ông Trump: lạm dụng quyền lực và cản trở điều tra tại Hạ viện. Ngày 18-12, toàn thể Hạ viện (do đảng Dân chủ kiểm soát) bỏ phiếu thông qua hai cáo buộc này.

Theo đó, Thượng viện tới đây sẽ phải mở phiên tòa xét xử, hoặc bác bỏ các cáo buộc hoặc buộc tội và phế truất ông Trump. Khả năng ông Trump bị buộc tội và phế truất không lớn vì Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

5. Khủng hoảng chính trị Venezuela

Ngày 23-1-2019, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, lãnh đạo phe đối lập tuyên bố bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống mà chiến thắng thuộc về ông Nicolas Maduro và tự xưng mình là tổng thống lâm thời, bắt đầu cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Venezuela.

Trong khi gần 60 nước - trong đó có Mỹ, Canada, nhiều nước Mỹ Latinh và châu Âu - công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời thì hàng loạt nước - trong đó có Nga, Trung Quốc, Iran, Syria, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ... vẫn công nhận và ủng hộ ông Maduro.

Chính phủ ông Maduro vẫn giữ quyền kiểm soát các cơ quan chính phủ và quân đội. Ông Guaido bị cấm rời khỏi đất nước, bị phong tỏa tài sản, bị điều tra cáo buộc tạo điều kiện cho nước ngoài can thiệp vào tình hình đất nước.

Phần mình, ông Guaido chủ trương bắt tay với các sĩ quan quân đội và quan chức quay lưng với chính phủ ông Maduro. Về đối ngoại, lực lượng ông Guaido đã bổ nhiệm một số "nhà ngoại giao" ở các nước ủng hộ mình và kiểm soát được một số lượng tài sản của Venezuela ở Mỹ.

4. Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và Iran khôi phục làm giàu uranium

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện đúng cam kết tranh cử: Rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân sau khi ông vào Nhà Trắng.

Và hành động tiếp theo của Mỹ sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là tái áp đặt mọi lệnh trừng phạt mà nước này đã phong tỏa trong thời gian còn là thành viên ký thỏa thuận lên Iran. 

Phần mình, Iran đã có phản ứng mạnh. Một mặt Iran buộc các nước còn lại trong khối P5+1 (Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) phải bảo vệ quyền lợi cho mình nếu muốn Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận.

Một mặt Iran tuyên bố sẽ dần dần phá bỏ các cam kết theo thỏa thuận, trong đó có khôi phục và tăng làm giàu uranium, như một cách làm áp lực buộc các nước châu Âu phải tích cực hơn trong việc thuyết phục Mỹ không trừng phạt mình.

3. Saudi Arabia bị tấn công

Ngày 14-9, 2 nhà máy lọc dầu tại Abqaiq và Khurais của Công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco bị tấn công.

Vụ việc gây rúng động toàn cầu vì việc hai nhà máy này bị tấn công đã làm Saudi Arabia mất gần 6 triệu thùng dầu/ngày tương đương 50% tổng sản lượng quốc gia, và làm sụt giảm 5% lượng cung dầu mỏ toàn cầu. 

Nhóm phiến quân Houthi tuyên bố nhận trách nhiệm, cho biết đã triển khai một số lượng máy bay không người lái không kích hai nhà máy này. Tuy nhiên, tình báo Mỹ kết luận hai nhà máy này bị hàng chục tên lửa hàng trình tấn công và cáo buộc nước đứng đằng sau vụ này là Iran. Dĩ nhiên Iran bác bỏ.

Việc các nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công có thể là hệ lụy của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến quan hệ Mỹ-Iran chất chồng căng thẳng trong thời gian qua. Sau vụ việc này Mỹ triển khai một lượng lớn quân (14.000) và khí tài, vũ khí đến Trung Đông để bảo vệ đồng minh.

2. Thổ Nhĩ Kỳ nhận chuyển giao S-400 từ Nga

Bất chấp mọi áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2019 đã nhận chuyển giao hệ thống phòng không S-400 từ Nga và tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục nhận chuyển giao đợt tiếp theo trong năm tới.

Vì hành động mua S-400 của Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với khả năng bị Mỹ trừng phạt. Nửa cuối tháng 12, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đe dọa nếu Mỹ trừng phạt thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng cửa căn cứ không quân Incirlik mà Mỹ đang sử dụng ở nước này. 

Mỹ lo ngại S-400 của Nga có thể sẽ được sử dụng thu thập thông tin về năng lực tàng hình của tiêm kích F-35 của Mỹ.

Đáp lại, ông Erdogan nói các đồng minh phương Tây không cung cấp đủ sức mạnh quốc phòng cần thiết cho nước này chống lại các đe dọa từ các nước láng giềng (Iran, Iraq, Syria), vì thế ông phải mua S-400 của Nga.

Nhiều chuyên gia nhận định việc S-400 được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tăng thêm lợi thế cho Nga trong quá trình nước này mở rộng hiện diện ở Trung Đông. 

Mỹ liên tục đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Patriot của mình thay vì S-400 nhưng ông Erdogan nói nước này muốn có cả hai.

1. Thổ Nhĩ Kỳ đánh người Kurd sau khi Mỹ bỏ đi

Tình hình Syria năm 2019 bên cạnh việc thắng thế của quân chính phủ trước lực lượng nổi dậy thì còn được đánh dấu bằng chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là cánh tay nối dài của tổ chức Đảng Công nhân người Kurd mà mình xem là khủng bố ở nước mình, tuy nhiên YPG lại là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong cuộc chiến đánh khủng bố ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ngày 8-10, vài ngày sau khi thuyết phục được Mỹ rời bỏ YPG.

Dù rời bỏ YPG nhưng Mỹ chưa rút hẳn khỏi Syria mà vẫn để lại một số lượng quân với lý do bảo vệ các mỏ dầu ở nước này không bị rơi lại vào tay khủng bố. Tuy nhiên, theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Mỹ đưa ra lý do này chỉ muốn biện hộ cho ý đồ chiếm dầu của Syria.

Đọc thêm