Những điều chưa biết trong đàm phán vaccine giữa các hãng dược và các chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chính phủ trên thế giới đang “rót” hàng tỉ USD cho các công ty dược phẩm để phát triển vaccine ngừa COVID-19, cũng như hàng tỉ USD khác để mua vaccine.

Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, chi tiết của những giao dịch này phần lớn vẫn là bí mật, do các chính phủ và tổ chức y tế cộng đồng chấp nhận yêu cầu của hãng dược phẩm về việc giữ bí mật.

Chính thỏa thuận này được cho là gây khó khăn cho việc giải trình, như trong vụ việc hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và AstraZeneca (Anh) hồi tháng 1 thông báo không thể giao hàng cho Liên minh châu Âu (EU) đúng với mục tiêu đặt ra.

Những điều chưa biết trong đàm phán vaccine giữa các hãng dược và các chính phủ. Ảnh: REUTERS

Do các điều khoản trong hợp đồng được giữ bí mật và bảo vệ nghiêm ngặt, việc chất vấn hay quy trách nhiệm cho các bên tham gia hợp đồng là rất khó khăn.

Một số tài liệu hiện có cho thấy rằng trong thỏa thuận, công ty dược phẩm được quyền lên lịch trình giao hàng linh hoạt và miễn trừ trách nhiệm pháp lý nếu có bất kỳ điều gì sai sót.

Trong một số trường hợp, các quốc gia bị cấm tặng hoặc bán lại vaccine, điều được cho là có thể cản trở nỗ lực tài trợ vaccine đến các nước có thu nhập thấp.

Theo The New York Times, chính phủ các nước chủ yếu tiếp cận vaccine thông qua ba loại hình thỏa thuận: (i) Mua trực tiếp từ các hãng dược; (ii) Mua thông qua các tổ chức khu vực như Liên minh châu Âu (EU) hoặc Liên minh châu Phi (AU); (iii) Nhận vaccine thông qua sáng kiến COVAX.

Các chính phủ hỗ trợ phát triển vaccine COVID-19

Theo tờ báo, vì việc phát triển vaccine tiềm ẩn nhiều rủi ro, các công ty hiếm khi đầu tư vào sản xuất, trừ khi họ chắc chắn rằng vaccine của mình có hiệu quả và có thể được chính phủ chấp thuận. Đây là một trong những nguyên nhân cho việc thường mất rất nhiều thời gian để phát triển và phân phối một loại vaccine.

Nhằm đẩy nhanh quá trình đó, các chính phủ - chủ yếu là Mỹ và các quốc gia châu Âu, cùng các nhóm phi lợi nhuận như Liên minh Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) - chấp nhận rủi ro để đầu tư vào việc phát triển vaccine.

Vaccine của Novavax. Ảnh: REUTERS

Tính đến tháng 2, Mỹ đã chi khoảng 1,6 tỉ USD giúp công ty Novavax phát triển vaccine COVID-19. CEPI cũng đã huy động khoảng 400 triệu USD để tài trợ cũng như cho Novavax vay không lãi suất.

Tương tự, những khoản tài trợ lớn như vậy cũng được cung cấp cho các công ty dược phẩm khác.

Bên cạnh sử dụng công nghệ do chính phủ phát triển làm nền tảng cho vaccine của hãng, công ty dược Moderna còn nhận được khoảng 1 tỉ USD tiền tài trợ từ chính phủ Mỹ để phát triển vaccine.

Những hình thức hỗ trợ này nhằm giúp các hãng dược bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 cũng như trang trải chi phí thử nghiệm lâm sàng.

Bên nào sẽ giữ bằng sáng chế?

Theo The New York Times, tuy nhận được khoản đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, song bằng sáng chế về vaccine lại thuộc về các công ty dược, đồng nghĩa với việc các công ty này có thể quyết định cách thức, nơi sản xuất cũng như giá thành của vaccine.

Như hãng dược CureVac (Đức) giải thích trong hợp đồng, công ty này "sẽ được độc quyền khai thác bất kỳ quyền nào" đối với các sáng chế như vậy.

Đây được coi là vấn đề gây tranh cãi trong thời gian dài. Ấn Độ và Nam Phi dẫn đầu liên minh một số quốc gia đã kiến nghị Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để các hãng dược đại trà cũng có thể sản xuất vaccine.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tán thành ý tưởng này, song tất cả nỗ lực nói trên đều thất bại do vấp phải sự phản đối từ Mỹ và châu Âu, nơi bằng sáng chế và lợi nhuận thu được từ việc bán vaccine được các hãng dược coi là “huyết mạch của sự đổi mới”.

Sự chênh lệch về giá vaccine COVID-19

Một trong những điều khoản chính của hợp đồng vaccine là giá mỗi liều. Theo tài liệu mà The New York Times thu thập được, chi tiết này thường được biên soạn lại trong phiên bản công khai của hợp đồng.

Các công ty dược phẩm coi đây là bí mật thương mại. Một số công ty liệt kê trong hợp đồng các điều khoản cho phép họ tạm ngừng cung ứng nếu các quốc gia tiết lộ giá của vaccine.

Tuy nhiên, dù các chính phủ chấp nhận điều khoản này, song một số thông tin rò rỉ cho thấy có sự khác biệt về giá mua vaccine ở các quốc gia.

Ủy ban châu Âu trả 2,19 USD cho mỗi liều vaccine do ĐH Oxford (Anh) và AstraZeneca sản xuất, trong khi Nam Phi trả gấp đôi ở mức 5,25 USD.

Đây chính tâm điểm gây xôn xao dự luận khi quan chức Bỉ hồi tháng 12-2020 đã vô tình tiết lộ bảng giá vaccine, trong đó người Mỹ phải trả 19,5 USD cho mỗi liều vaccine Pfizer, trong khi người châu Âu chỉ phải trả 14,7 USD.

Cấm quyên góp và bán lại vaccine

Theo The New York Times, các nhà hoạt động vì sức khỏe cộng đồng đã kêu gọi các nước có thu nhập cao tài trợ hoặc bán lại vaccine cho các nước nghèo.

Tuy nhiên, điều khoản hợp đồng mua bán vaccine của các hãng dược có thể hạn chế điều này vì làm giảm doanh số của họ.

Vaccine của CureVac. Ảnh: AA.COM.TR

Ví dụ, hợp đồng của CureVac cấm các quốc gia châu Âu bán lại, xuất khẩu hoặc tặng lại vaccine COVID-19, gồm cả thông qua COVAX, mà không có sự cho phép của công ty. Một số hợp đồng của các công ty ở Mỹ cũng có những điều khoản tương tự.

Theo một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, điều khoản đó được liệt kê vào hợp đồng để đảm bảo rằng bất kể được sử dụng ở đâu, vaccine đều được bảo vệ với các biện pháp pháp lý như nhau.

Mặt khác, một số quốc gia cũng cố gắng tìm cách hạn chế xuất khẩu vaccine, như việc Đức hồi tháng 1 đã vận động Ủy ban châu Âu cho phép các quốc gia thành viên ngăn chặn xuất khẩu vaccine sang các nước ngoài khối này.

Quyền lên lịch trình giao hàng linh hoạt

Theo The New York Times, thời gian giao vaccine được coi là thông tin độc quyền, vì vậy không có tiêu chuẩn công khai nào để đánh giá một công ty dược phẩm trong việc phân phối vaccine.

Chẳng hạn, vụ việc hãng AstraZeneca thông báo sẽ chưa thể cung ứng vaccine cho EU như dự kiến trong quý đầu tiên của năm nay đã làm dấy lên tranh cãi giữa hai bên.

Vaccine của AstraZeneca. Ảnh: REUTERS

Trong khi các quan chức châu Âu cho biết đã được AstraZeneca đảm bảo về việc giao hàng trong hợp đồng, thì phía bên bán lại cho rằng họ chỉ cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đạt được những mục tiêu đó.

Dù đã đồng ý giữ bí mật, song các quan chức châu Âu sau đó đã yêu cầu AstraZeneca công khai hợp đồng, vì chỉ khi làm vậy mới có thể xác định được bên nào chịu trách nhiệm.

Gần như mọi nhà sản xuất vaccine đều thông báo với đối tác trước rằng họ có thể sẽ không đạt được mục tiêu cung ứng.

Trong tài liệu nội bộ, hãng Pfizer hồi tháng 8-2020 từng cảnh báo: “Chúng tôi có thể sẽ không kịp thời xây dựng hoặc đẩy mạnh năng lực sản xuất vaccine đúng hạn".

Một số bên có thể hưởng lợi từ vaccine

Vào giai đoạn đầu của đại dịch, Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã tung ra khoản vay 100 triệu USD cho hãng dược BioNTech (Đức), đối tác sản xuất vaccine của hãng Pfizer.

Theo bản hợp đồng được BioNTech biên soạn lại để nộp cho các cơ quan quản lý chứng khoán, ngoài tiền lãi từ khoản vay nói trên, Ngân hàng Đầu tư châu Âu sẽ nhận được khoản lợi nhuận từ vaccine lên đến 25 triệu USD.

Theo ngân hàng này, các thỏa thuận phân chia lợi nhuận phản ánh rủi ro liên quan việc cấp vốn sớm.

Các công ty dược phẩm được bảo vệ về pháp lý

Tại Mỹ, các công ty dược phẩm được bảo vệ gần như khỏi mọi trách nhiệm pháp lý nếu vaccine của họ không hiệu quả, hoặc gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng, theo The New York Times.

Chính phủ Mỹ bảo trợ cho các nhà sản xuất vaccine COVID-19 theo Đạo luật PREP - được ban hành năm 2005 nhằm tăng tốc độ tiếp cận các loại dược phẩm trong trường hợp y tế khẩn cấp.

Điều này có nghĩa là người dân không thể kiện các công ty này, ngay cả trong trường hợp bên sản xuất thiếu thận trọng, ngoài các trường hợp ngoại lệ duy nhất là “hành vi cố ý làm sai" trong quá trình sản xuất hay phân phối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm