Nhức nhối nạn buôn lậu hổ, báo ở châu Á

Nhức nhối nạn buôn lậu hổ, báo ở châu Á ảnh 1

Hổ là mục tiêu săn lùng của những kẻ buôn lậu xương, da thú quý hiếm

Loài hổ đang đối mặt với hiểm họa từ các hoạt động săn bắt trộm, phục vụ việc mua bán da và xương hổ trái phép khắp thế giới; môi trường sống bị phá hoại và sự suy giảm số lượng con mồi trong tự nhiên.

Mặc dù được bảo vệ, tất cả các loài hổ đều bị suy giảm số lượng nghiêm trọng do nhu cầu xương hổ dùng trong các thang thuốc truyền thống và những loại biệt dược đã được đăng kí sản xuất, ngày càng tăng trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ từ những năm 1990.

Bất chấp những nỗ lực đáng kể nhằm sửa đổi luật và cấm việc sản xuất, buôn bán các bộ phận và sản phẩm từ hổ, nhu cầu đối với xương động vật này không hề giảm xuống và thậm chí các loài báo châu Á (Panthera pardus) và báo tuyết (Uncia uncia) cũng trở thành mục tiêu tấn công nhằm thay thế cho xương hổ.

Trong khi việc buôn bán xương hổ hầu như đã bị đẩy vào hoạt động bí mật thì sự sống sót của các loài hổ hoang dã tiếp tục bị đe dọa bởi nạn kinh doanh da thú quý hiếm đang nổi lên.

Khó kiểm soát

Chính quyền các nước đã đổ nhiều công sức để kiểm soát nhu cầu về xương hổ dùng để sản xuất thuốc. Nhưng, người ta chú ý quá ít tới nạn buôn bán da hổ, báo bất hợp pháp trên thế giới bất chấp thực tế là vấn nạn này tồn tại song song với việc buôn bán trái phép xương hổ và đã trở nên nghiêm trọng trong 4 năm qua.

Cách đây khoảng 100 năm, trên khắp thế giới ước tính có khoảng 100.000 con hổ. Tuy nhiên, ngày nay số lượng loài thú hoang dã này có thể còn không đầy 5.000 con. Hổ sinh sống chủ yếu ở Ấn Độ (ngôi nhà của khoảng 1/2 số hổ hoang dã trên toàn thế giới), Nepal, Bhutan, Bangladesh, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Lào, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Malaysia và vùng Viễn Đông của Nga.

Nguy cơ gia tăng có thể được chứng minh rất rõ qua việc phân tích các vụ thu giữ hàng hóa làm từ da hổ, báo kể từ cuối năm 1999. Những vụ việc này hé lộ mức độ tổ chức bảo mật trong các hệ thống buôn lậu cũng như sự táo tợn của chúng trong việc vận chuyển khối lượng lớn sản phẩm từ da hổ để cung cấp cho thị trường ngày càng mở rộng.

Việc này chứng tỏ một điều: việc kinh doanh da động vật quý hiếm ở châu Á đang phát triển ngoài tầm kiểm soát. Tại các thành phố Ấn Độ đã xuất hiện nhiều mạng lưới buôn lậu bí mật, quy mô lớn. Chúng thu mua và xử lí da hổ, báo rồi bán lại cho các thương nhân ở Nepal và Trung Quốc.

Vào tháng 10/2003, trên một tuyến đường xa xôi ở phía tây vùng tự trị Tây Tạng thuộc Trung Quốc, các nhân viên hải quan đã bước đầu khám phá quy mô thực sự của hoạt động buôn bán da hổ, báo trái phép. Trong vụ thu giữ mẻ hàng này, các nhà chức trách đã phát hiện 31 tấm da hổ, 581 tấm da báo và 778 tấm da rái cá giấu dưới các bao tải len trên 1 chiếc xe tải. Toàn bộ số da động vật có nguồn gốc ở Ấn Độ và đang trên đường được chuyên chở tới Lhasa, thủ phủ và là trung tâm buôn bán chính của Tây Tạng.

Những khách hàng tiềm năng có thể đến từ bất cứ quốc gia nào. Ở Sumatra vào tháng 8/2004, một nhóm 5 kẻ chuyên săn bắt và bán da thú bị cáo buộc đã gây ra cái chết cho 60 con hổ trong vòng 10 năm đã phải lĩnh án 6 tháng tù giam và nộp phạt tổng cộng 7.750 USD.

Vào cuối năm 2003, hàng loạt các vụ lục soát của lực lượng cảnh sát kiểm lâm hoàng gia Thái Lan đã phát hiện mạng lưới buôn bán thịt hổ nuôi nhốt. Trong một vụ riêng rẽ ở tỉnh Nonthaburi, các nhà chức trách đã tìm thấy tại một ngôi nhà 6 con hổ sống, 22kg thịt hổ và 48kg xương hổ cùng các sản phẩm động vật hoang dã khác. Một vài bài báo nhận định, số hàng lậu này nhằm cung ứng cho các nhà hàng ở Trung Quốc. Trong khi số khác cho rằng, chúng dự kiến sẽ được chuyển tới khu phố Tàu ở Bangkok.

Nhức nhối nạn buôn lậu hổ, báo ở châu Á ảnh 2

Xương hổ dùng trong các thang thuốc truyền thống và những loại biệt dược đã được đăng kí nhãn mác

Trung Đông cũng được xem là một thị trường tiềm năng của việc buôn bán da và lông thú. Vào năm 2002, có nhiều bài báo khẳng định da hổ được công khai bày bán tại Dubai, các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với giá dưới 250 USD/tấm mặc dù những bức ảnh minh họa cho thấy đây là những tấm da giả.

Vào tháng 7/2004, các nguồn tin tại Jeddah, Ảrập Xêút thông báo các tấm da báo được chào bán theo lố với giá 2.700 - 4.000 USD. Dường như, không chỉ các loài báo châu Á mà cả các loài báo châu Phi cũng trở thành mục tiêu của bọn buôn da động vật. Tại Nam Phi, vào tháng 7/2004, các nhà chức trách đã thu giữ 58 tấm da báo của một thương nhân người Mozambique. Theo một quan chức thuộc cục cảnh sát Nam Phi, số hàng cấm này trị giá hơn 7.000 USD.

Cho tới tận khi CITES (Công ước LHQ về thương mại quốc tế đối với các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng) ra đời vào những năm 1970, da báo khá phổ biến trong những show trình diễn thời trang, còn các tấm phủ bằng da hổ trở thành biểu tượng của sự giàu sang và địa vị. Ngày nay, việc buôn bán da hổ, báo trái phép hướng tới phục vụ những khách hàng ưa đồ trang trí xa xỉ trên trang phục truyền thống. Họ cũng sẵn sàng chi trả một cái giá cắt cổ để sở hữu các vật trang hoàng tốt nhất cho ngôi nhà của họ.

Các cuộc khám xét tư dinh của tầng lớp thượng lưu ở Ấn Độ và Trung Quốc tiết lộ sự yêu chuộng không ngừng tăng lên của những người này đối với các tấm da hổ, báo. Giới kinh doanh ở Lhasa khẳng định với Cơ quan điều tra môi trường (EIA) rằng, da hổ được bán cho nhiều du khách Trung Quốc giàu có đến từ Bắc Kinh và Hồng Kông để trang trí nhà cửa. Còn những tấm da báo nguyên con cũng được rao bán ở Lhasa cho các khách hàng Trung Quốc và châu Âu lắm tiền.

Phần lớn các tấm da bị thu giữ đã được xử lý một cách tinh vi sao cho chúng có thể gập lại và giấu cùng với vải hoặc len. Không có gì ngạc nhiên khi thấy đa số vụ thu giữ hàng lậu diễn ra ở phía bắc Ấn Độ - quê hương của những thợ thuộc da lành nghề. Người mua hoặc đại diện của họ sẽ kí tên hoặc đóng dấu vào tấm da. Họ muốn bảo đảm rằng, bên trung chuyển sẽ trao tận tay mặt hàng đã được chọn trước. Không ít khách hàng ở mắt xích trên cùng của chuỗi kinh doanh trái phép không mạo hiểm bằng cách tự tay vận chuyển những tấm da quý hiếm.

Trong các vụ bắt giữ ở Tây Tạng, đa số các thủ phạm là những kẻ trung gian, kẻ vận chuyển hoặc thợ thuộc da. Cơ quan chức trách cũng thường phát hiện một lượng lớn tiền mặt tại hiện trường. Một vài người bị bắt giữ còn có đại diện luật pháp là các luật sư đến từ những thành phố lớn. Điều này ám chỉ tác động của những thế lực tài chính đứng đằng sau hoạt động kinh doanh trái phép da động vật.

Động cơ lợi nhuận

Công cho việc đầu độc, bắn chết và đánh bẫy hổ, báo tương đối thấp. Những kẻ săn bắt trộm thường rất nghèo và không có nguồn thu nhập thay thế nào khác. Họ được trả một khoản tiền rất nhỏ cho việc lột da những chú mèo khổng lồ. Đôi khi, loài động vật này bị giết hại do sở thích ăn thịt thú quý hiếm của người dân địa phương. Họ giữ lại các bộ phận của chúng phòng khi có thể bán được lấy tiền.

Nhức nhối nạn buôn lậu hổ, báo ở châu Á ảnh 3

Xương hổ, báo bị thu giữ ở Khaga, Ấn Độ năm 2000

Khi những tấm da động vật trở thành hàng hóa được chuyển bán trao tay từ kẻ săn bắt trộm tới các thương nhân, lợi nhuận sẽ dần tăng lên đáng kể. Mặc dù những kẻ vận chuyển và trung gian kiếm được nhiều hơn những tên săn trộm nhưng lợi nhuận thực sự rơi vào tay những chủ buôn đứng đầu đường dây, trực tiếp điều hành các hoạt động của mạng lưới buôn lậu và quan hệ với khách hàng. Những tên tội phạm lão luyện trong việc thu lời mà vẫn tránh được nguy cơ bị bắt quả tang dính líu đến công việc kinh doanh bất hợp pháp.

Giá trị tổng cộng của mẻ hàng da động vật thu giữ tại Tây Tạng hồi tháng 10/2003 khoảng 1,2 triệu USD. Theo cảnh sát Nepal, vào năm 1999, da hổ được bán với giá 266 -1300 USD/tấm, da báo là 66 - 266 USD/tấm và da rái cá là 15 - 55,88 USD/tấm.

Tại Tây Tạng, giới thương nhân chào bán da hổ cho các đại diện của EIA với giá 10.000 USD/tấm còn da báo là 850 USD/ tấm và da rái cá là 250 USD/tấm. Các bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông khác nhau của Trung Quốc ước tính theo giá thị trường cho 100 tấm da rái cá thu giữ ở Ruili, Yunnan là 14.200 USD và phải mất tới 4.500 USD mới có thể mua được da và xương của một con hổ bị thu giữ ở Yunnan.

Thanh Bình <EM>(Theo VietNamNet)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm