Nhóm nghị sĩ Mỹ thúc đẩy dự luật cạnh tranh công nghệ với TQ

Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ ngày 21-1 đã thúc đẩy dự luật cho phép chi 100 tỉ USD trong vòng năm năm nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng của Mỹ trước sức ép cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc, hãng Reuters đưa tin.

Dự luật nói trên, một khi được thông qua sẽ có tên là "Đạo luật Biên giới Vô tận" (Endless Frontier Act), do lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Todd Young cùng những nghị sĩ khác tài trợ.

Cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung. Ảnh: REUTERS

Ông Schumer hôm 21-4 cho biết: “Có sự đồng thuận trong lưỡng đảng rằng Mỹ phải đầu tư vào các công nghệ của tương lai để cạnh tranh với Trung Quốc”.

Ông Schumer nhấn mạnh rằng “quốc gia nào phát triển công nghệ mới trước sẽ đặt ra các điều khoản cho việc sử dụng chúng".

Theo Reuters, dự luật cũng sẽ ủy quyền 10 tỉ USD để chỉ định ít nhất 10 trung tâm công nghệ khu vực và tạo ra một chương trình ứng phó khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Dự luật thể hiện một nỗ lực đáng kể của chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu của khu vực tư nhân và các trường đại học liên quan các công nghệ tiên tiến với sự tài trợ của liên bang.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Gallagher nói rằng ưu thế về khoa học và công nghệ của Mỹ "đang có nguy cơ bị đe dọa”. 

“Trung Quốc đã sử dụng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gián điệp công nghiệp trong nhiều thập niên qua nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ theo cách không chỉ đe dọa an ninh kinh tế, mà còn là cách sống của chúng ta" - ông Gallagher nhấn mạnh.

Ủy ban Thương mại Thượng viện dự kiến sẽ thông qua dự luật vào tuần tới, trong khi ông Schumer đang nỗ lực thúc đẩy việc phê duyệt nhanh chóng.

Ông Schumer cho biết sẽ thúc đẩy "chi tiêu khẩn cấp" để thực hiện các điều khoản sản xuất chất bán dẫn trong dự luật quốc phòng năm 2020.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 2 cho biết sẽ kêu gọi 37 tỉ USD nhằm thúc đẩy việc sản xuất chip điện tử tại Mỹ trong bối cảnh sự thiếu hụt chất bán dẫn đã buộc các nhà sản xuất ô tô Mỹ và các nhà sản xuất khác phải cắt giảm sản xuất.

Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỉ USD do ông Biden đề xuất cũng kêu gọi 50 tỉ USD cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.

Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin đánh giá dự luật này là "quan trọng trong việc thực hiện các bước dứt khoát nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh của Mỹ trong 10 ngành công nghệ tiên tiến then chốt của tương lai, chẳng hạn công nghệ sinh học, năng lượng sạch và chất bán dẫn".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm