“Nhóm 77” cần được hỗ trợ tài chính, công nghệ

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc tổ chức, Bộ trưởng Môi trường Pakistan Syed Faisal Saleh Hayat, người thay mặt cho một khối gồm 130 nước đang phát triển có tên là “Nhóm 77”, cho biết: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng không có kế hoạch hay chiến lược nào hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển”.

Ông Faisal cho rằng các nước giàu cần đẩy mạnh cam kết giảm khí thải trong giai đoạn tiếp theo của Nghị định thư Kyoto, đồng thời giúp các nước nghèo giảm ô nhiễm và đối phó những tác động của sự thay đổi khí hậu.

Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng các nước phát triển cần tiếp tục đi đầu trong việc giảm khí thải sau năm 2012, trong lúc các nước đang phát triển cũng tích cực kiểm soát khí thải trong khả năng cao nhất có thể và phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.

Cũng tại hội nghị, đại diện một số nước phát triển đã đề nghị giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thúc giục các nước gây ô nhiễm lớn của thế giới giảm khí thải xuống ít nhất 50% vào năm 2050 và xem năng lượng hạt nhân như là một giải pháp tiềm năng.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng một kế hoạch buôn bán carbon toàn cầu nên đóng vai trò trọng tâm trong bất kỳ nỗ lực nào sau này nhằm chống tình trạng toàn cầu ấm dần lên.

Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice thì đề cao vai trò của công nghệ mới và việc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo được.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho rằng hội nghị “mang tính lịch sử” nói trên đã thể hiện “một cam kết chính trị lớn cho bước đột phá” tại hội nghị vào tháng 12 tới ở Bali (Indonesia), nơi các nước bắt đầu thương thảo về một hiệp ước mới thay thế Nghị định thư Kyoto khi nó hết hạn vào năm 2012. Dù vậy, ông Ban cũng thừa nhận rằng các cuộc thảo luận sắp tới có thể kéo dài và gặp không ít khó khăn.

H. PHƯƠNG (Theo NLĐO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm