Nhìn lại 'toàn cảnh thế giới 2015' trước thời khắc giao thừa

Những sự kiện mang lại phấn khởi cho thế giới
1/ Iran và các cường quốc phương Tây đã đạt được một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về chương trình hạt nhân của Tehran. Điều này đồng nghĩa với việc các biện pháp trừng phạt thương mại và các chế tài khác có thể sẽ sớm được dỡ bỏ.
2/ Năm 2015 cho thấy dấu hiệu của sự tiến triển trong nỗ lực toàn cầu để đối phó với biến đổi khí hậu, sau khi các nhà đàm phán từ gần 200 quốc gia đã ký một thỏa thuận đầy tham vọng về việc hạn chế nhiệt độ tăng. 
3/ Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã tạo cảm hứng cho khắp châu Âu bằng việc mở cửa biên giới nước này chào đón người tị nạn từ Trung Đông.
4/ Ở Myanmar, nơi đảng đối lập của chủ nhân giải Nobel Hòa bình hồi năm 2012 bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, chấm dứt sự nắm giữ quyền lực của chính quyền quân đội nước này.
5/ Trong khi đó, Trung Quốc cuối cùng đã bãi bỏ chính sách một con.
6/ Tại Havana và Washington DC, lá cờ của hai bên thù địch Mỹ-Cuba một thời Chiến tranh Lạnh đã tung bay trên tòa đại sứ quán hai nước, khôi phục quan hệ ngoại giao hai quốc gia sau nhiều năm đóng băng. 
Xung đột và đối đầu

Tuy nhiên, 2015 cũng là năm xảy ra nhiều sự kiện đáng sợ và bi thảm từ khu vực Bắc Nigeria và Đông Syria đến Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, từ các đường phố của Paris đến các khu nghỉ dưỡng của Tunisia và Ai Cập, từ biển Đông đến các tuyến đường biển ở Bắc Đại Tây Dương.

Các sự kiện liên quan đến IS, người tị nạn, nội chiến Syria... là một loạt các sự kiện đáng quan tâm trong năm 2015. Ảnh: The Guardian 

1/ Năm 2015 là năm chứng kiến sự "trưởng thành" của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và một số lượng lớn người tuyên bố có được cảm hứng từ nhóm khủng bố này.

IS trải rộng chiến dịch giết chóc đến Kuwait, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Libya, Tunisia và Paris (Pháp). Tại Pháp, vụ tấn công văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và tấn công khủng bố hàng loạt tại thủ đô Paris, làm 130 người thiệt mạng đã gieo sự đau khổ cho những người vô tội.
Trong khi đó, IS tăng cường phá hoại ở miền Bắc Syria và Iraq, nơi chúng đánh chiếm và kiểm soát bất chấp một loạt các cuộc không kích được liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu tiến hành. 
Nhiều mối lo ngại nảy sinh khi IS truyền hệ tư tưởng "cực đoan hóa" cho những người theo đạo Hồi ở châu Âu và khắp nơi trên thế giới. Đó là khi các nước cũng tăng cường an ninh, mong muốn kết thúc cuộc nội chiến Syria và mở rộng hoạt động quân sự trên mặt đất để tiêu diệt nhóm này.
Có hai thứ cần được quan tâm: Trong ngắn hạn, cộng đồng quốc tế vẫn chưa nhất trí chính xác những gì phải làm để kết thúc sự tàn bạo của IS. Và trong dài hạn, phải tìm ra một giải pháp để dập tắt sự nổi loạn của những người Hồi giáo Sunni - lực lượng lớn mạnh trên khắp thế giới Ả Rập kể từ khi Liên Xô tiến vào lãnh thổ Afghanistan vào năm 1979.
2/ Năm nay cũng là năm chứng kiến một loạt các cuộc xung đột kinh hoàng tương tự ở Nigeria, nơi Boko Haram tấn công người Hồi giáo và Kitô giáo. Các vấn đề ở Libya và ở Afghanistan, nơi những lo ngại gia tăng về Taliban và al-Qaeda trở lại theo sau khi NATO rút quân.
3/ Kế đến, căng thẳng gia tăng ở biển Hoa Đông và biển Đông, nơi Trung Quốc tăng cường chủ nghĩa bành trướng trên biển của mình.
Các nước láng giềng Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh, trong đó có việc xây dựng các đảo nhân tạo và đường băng trái phép trên các bãi đá ở biển Đông và tăng cường chi tiêu quốc phòng hòng củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển vô lý của nước này.
4/ Tại Đông Á, có các dấu hiệu cho thấy sự "giảm nhẹ" trong căng thẳng giữa Hàn Quốc - Triều Tiên. Bình Nhưỡng và Seoul hồi tháng 8 đã xảy ra xung đột "đỉnh điểm" ở biên giới liên Triều. Tuy nhiên, hai nước sau đó đã đạt được thỏa thuận và tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán.
5/ Tại miền Đông Ukraine, căng thẳng giảm đi sau khi quân ly khai chấp nhận thỏa thuận hòa bình Minsk.
6/ Tại Nam Sudan, trong khi đó, một cuộc chiến tranh dân sự đáng sợ bước vào năm thứ ba trong bối cảnh nhiều thỏa thuận ngừng bắn liên tiếp không đạt được. Thanh lọc sắc tộc, tuyển mộ lính trẻ em và hiếp dâm hàng loạt là những nỗi kinh hoàng trong cuộc xung đột tại đây với 2,3 triệu người phải di dời và 4,6 triệu người cần viện trợ lương thực khẩn cấp. Hiện LHQ cảnh báo "nguy cơ nạn đói" tại đây.
7/ Đối với vấn đề tị nạn, đến cuối năm, chỉ riêng Đức, nước này đã chào đón khoảng 1 triệu người tị nạn đến từ Syria, Iraq và Afghanistan. Sau khi mở cửa biên giới, chính phủ Đức tăng cường các biện pháp nhằm cung cấp giáo dục, các lợi ích xã hôi, việc làm cho những người này.
Thụy Điển - "quốc gia truyền thống" mà người tị nạn tìm đến cũng có các chính sách tương tự trong khi các nước khác, đặc biệt là Hungary, Ba Lan, Croatia và Slovenia bắt đầu xây dựng bức tường biên giới để ngăn người tị nạn đi vào. 
Bên cạnh đó, nhiều lo ngại phát sinh về việc các chiến binh IS có thể "đội lốt" những người tị nạn để xâm nhập vào các quốc gia châu Âu. 

8/ Tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng nợ buộc nước này đối mặt trước nhiều gói cứu trợ "thắt lưng buộc bụng" và đứng trước khả năng rời khỏi liên minh châu Âu, chấm dứt việc dùng đồng tiền chung euro. Tuy nhiên, một thỏa thuận vào phút cuối cùng cũng đã đạt được.

Những sự kiện nổi bật khác

1/ Đối với vấn đề biến đổi khí hậu, mặc dù đưa ra ý tưởng sử dụng năng lượng mặt trời toàn cầu, Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng các nhà máy sản xuất điện bằng than.
2/ Vấn đề tranh cử
Sau khi đảng cầm quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 tại Bihar, tiểu bang đông dân nhất Ấn Độ, nhiều dấu hiệu cho thấy sự hưởng ứng của người dân đối với ông giảm dần.
Trong khi đó, Justin Trudeau, 43 tuổi, đã trở thành một trong những thủ tướng trẻ tuổi nhất của Canada. Sau khi lên nắm quyền, ông Trudeau đã yêu cầu rút lực lượng nước này ra khỏi liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đã rời khỏi vị trí của mình trong một cuộc đảo chính trong nội bộ đảng.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hai cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015 cuối cùng kết thúc. Trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, vào tháng 6, đảng cầm quyền của ông Erdoğan đã mất đa số phiếu bầu, phần lớn là do sự gia tăng hỗ trợ của đảng ủng hộ người Kurd.
Argentina trải qua những gì mà các nhà quan sát gọi là một "cuộc bầu cử chuyển đổi". Chiến thắng của Mauricio Macri, thị trưởng TP Buenos Aires, đã chấm dứt hơn một thập niên cầm quyền của Peronist.
Ở Guatemala, Jimmy Morales, một cựu diễn viên hài đắc cử tổng thống trên nền tảng chống tham nhũng, sau khi người tiền nhiệm của ông bị bỏ tù. Một trong những hành động đầu tiên của ông là tái khẳng định sự phản đối của mình đối với việc hợp pháp hóa dùng ma túy.
3/ Với vai trò lớn lao của mình, Giáo hoàng Francis đã có chuyến thăm lịch sử đến Havana, Cuba hồi tháng 9. 
4/ Trong khi đó, Nga vẫn đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nước này tăng cường triển khai máy bay ném bom và tàu ngầm đến khu vực Bắc Đại Tây Dương và biển Baltic vào năm 2015, một phần của nỗ lực để chứng tỏ Nga là một siêu cường toàn cầu. 
Nga đã can thiệp vào chiến sự Syria bằng việc phát động chiến dịch không kích IS sau khi có yêu cầu giúp đỡ từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hồi tháng 10, quan hệ Nga-Thổ đã căng thẳng sau khi chiến đấu cơ F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 Nga vì lý do "xâm phạm không phận". Nga sau đó đã công bố gói trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ. 
5/ Tại Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tăng cường chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" trong bộ phận các quan chức cấp cao nội bộ Đảng, quân đội, các công ty… và cố gắng bù đắp cho sự suy sụp kinh tế bằng cách tăng điều khiển tập trung. Điều này cũng có thể báo hiệu sự xuống dốc của nền kinh tế Trung Quốc. Ông Tập cũng đã có chuyến thăm nước Anh trong năm nay.
6/ Tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới, với Hillary Clinton đang được biết đến là ứng cử viên tiềm năng nhất của đảng Dân chủ cho chiếc ghế tổng thống. Về phía đảng Cộng hòa, nổi lên là ứng viên Donald Trump với một loạt các phát ngôn bất ngờ và gây sốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm