Nhìn lại COVID-19: Tương lai bất định và hệ luỵ khó lường

Tính đến ngày 10-9, toàn thế giới đã có hơn 900 ngàn người tử vong và gần 28 triệu ca nhiễm hoặc tái nhiễm với SARS-CoV-2. Dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra, được đánh giá là một trong những đại dịch kinh hoàng nhất lịch sử, khởi phát từ TP. Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12-2019 rồi nhanh chóng lan ra toàn thế giới.

Trong bảng báo cáo “Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của dịch COVID-19” được cập nhập đầu tháng 9, Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho hay đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu đã bốc hơi gần 90 nghìn tỉ USD, đồng thời tạo ra đe dọa dài hạn cho an sinh xã hội và chính trị thế giới.

Tính đến đầu tháng 9, hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ (tô đỏ) đã ghi nhận sự xuất hiện của SARS-CoV-2. Ảnh: UATIMES

Một thế giới bị đảo lộn

Nỗi sợ mang tên COVID-19 đã khiến đời sống kinh tế và sinh hoạt hàng ngày của nhân loại gần như bị đảo lộn. Nhiều quốc gia thực hiện giãn cách xã hội hoặc hạn chế tụ tập đông người. Hàng trăm ngàn trường học đóng cửa, khiến khoảng 1,5 tỉ trẻ em và gia đình trên toàn thế giới bị ảnh hưởng.

Nhóm ngành dịch vụ như giải trí, du lịch, giao thông vận tải mà đặc biệt là hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo số liệu từ CRS, COVID-19 sẽ làm bốc hơi hơn 113 tỉ USD doanh thu mà ngành này đáng ra sẽ có trong năm 2020.

Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng đang gượng hoạt động khi nhiều công ty khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà thông qua các công cụ liên lạc trực tuyến, nhất là những khu vực có dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Hằn sâu thêm vết thương của nền kinh tế

Không những vậy, COVID-19 đang hằn sâu thêm vết thương lên nền kinh tế thế giới vốn đã bị tổn hại vì thương chiến Mỹ-Trung khi xung đột thương mại hai bên đã tồn tại từ trước khi bùng nổ đại dịch.

Theo nhận định của CRS, ước tính đại dịch này có thể kéo tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm xuống từ 3,0% đến 6,0% trong năm 2020 và chỉ hồi phục một phần vào năm 2021 nếu tình hình đại dịch được kiểm soát tốt.

Suy thoái kinh tế từ đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu cao chưa từng có, kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Ngoài ra, những mất mát về nhân mạng sẽ phủ một bóng đen lâu dài lên nền kinh tế. Mức độ nghèo đói cũng đang trên đà tăng trở lại sau nhiều năm được khống chế. Cuộc sống của những gia đình thu nhập vừa và thấp ngày một sa sút hơn khiến khoảng cách giàu nghèo và bất ổn xã hội ngày một gia tăng.

Tại châu Á, ước tính, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 42 tỉ USD ra khỏi các thị trường đang phát triển, làm dấy lên nguy cơ một cuộc suy thoái kinh tế trên quy mô lớn đang ngấm ngầm bùng nổ tại châu lục này.

Tại Mỹ Latinh, khoảng 29 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói, khiến những nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng thu nhập trong hơn một thập kỷ qua tại khu vực này gần như trở về vạch xuất phát. Còn tại châu Phi, một số nhà phân tích lo ngại rằng đại dịch COVID-19 có thể khó kiểm soát hơn bất kỳ nơi nào khác do hệ thống y tế nơi đây vốn đã quá tải vì các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém khác.

Đặc biệt, đại dịch lần này còn bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết nhược yếu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất đơn phương. Điển hình như khi sản xuất tại Trung Quốc bị sụt giảm vì đại dịch, những ngành hàng như sản xuất máy tính, điện tử, dược phẩm hay thiết bị vận tải - mà nước này là nguồn cung ứng nguyên vật liệu chính, bắt đầu chao đảo.

COVID-19 đang hằn sâu thêm vết thương lên nền kinh tế thế giới. Ảnh: VOXEU

Và hệ lụy khó lường

Hiện nay, chính phủ các nước đang có nhiều vấn đề phải đối mặt. Một trong số đó là kịp thời đưa ra các quyết sách xử lý được những vấn đề nội tại do dịch COVID-19 gây ra, đồng thời không được tạo ra những hệ luỵ lâu dài cho nền kinh tế. Rõ ràng, đây là một bài toán khó, nhất là khi SARS-CoV-2 và những biến thể của nó ngày một khó lường hơn.

Ngoài ra, đại dịch cũng đang tạo ra những thăng trầm chưa từng thấy trong đời sống chính trị toàn cầu. Hàng loạt cuộc gặp quốc tế đã bị huỷ vì nguyên nhân dịch bệnh. Số liệu từ CRS còn cho hay 72 quốc gia đang tranh giành các nguồn cung y tế. Một số khác thì chạy đua trong việc đưa ra các thuyết âm mưu đổ lỗi cho các quốc gia khác về nguồn gốc virus hay việc để dịch bệnh lây lan ra toàn cầu.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine phòng COVID-19 cũng đang là một cuộc đua kịch tính giữa các nước.

Chính vì thế, về lâu dài cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry A. Kissinger dự báo: “Đại dịch này sẽ thay đổi trật tự thế giới”. Như vậy, một ngày đại dịch COVID-19 còn bất định, các biến động kinh tế, chính trị toàn cầu sẽ còn rất khó lường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm