Nhiều nước yêu cầu Facebook cung cấp thông tin người dùng

Chính quyền Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin người dùng nhiều nhất trong khi Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên Facebook nhiều nhất.
Facebook cho biết số lượng yêu cầu cung cấp thông tin và yêu cầu gỡ bỏ nội dung từ chính phủ các nước đã tăng hơn trong nửa đầu năm 2015, tiếp tục đà tăng kể từ khi mạng xã hội này công bố công khai thông tin loại này cách đây hai năm.
Cụ thể, số lời yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản trên khắp thế giới đã tăng 18% trong nửa đầu năm 2015 lên mức 41.214 tài khoản so với con số 35.051 trong nửa sau năm 2014.

Trong khi đó, lượng nội dung bị hạn chế vì vi phạm luật pháp nước sở tại tăng hơn gấp đôi so với nửa cuối năm trước, lên mức 20.568 nội dung.

Các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ yêu cầu cung cấp thông tin người dùng Facebook nhiều nhất thế giới (ảnh: The Guardian)

Theo Facebook, hầu hết yêu cầu của các chính phủ có liên quan đến các trường hợp phạm tội như trộm cướp hay bắt cóc. Các chính phủ thường yêu cầu cung cấp các thông tin cơ bản của người dùng, địa chỉ IP hoặc nội dung tài khoản, bao gồm cả các bài đăng trực tuyến của mọi người.
Phần lớn các yêu cầu cấp chính phủ đến từ các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Các cơ quan của Mỹ yêu cầu dữ liệu từ 26.579 tài khoản, chiếm 60% tổng số lời yêu cầu trên thế giới và tăng so với con số 21.731 tài khoản của nửa cuối năm 2014.
Pháp, Đức và Anh cũng chiếm một tỉ lệ lớn trong số yêu cầu này, đồng thời số nội dung bị hạn chế năm 2015 cũng nhiều hơn. Ví dụ như một số nội dung bị gỡ bỏ tại Đức có liên quan đến nạn diệt chủng người Do Thái.
Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước có số nội dung bị gỡ bỏ vì vi phạm pháp luật nhiều nhất. Ấn Độ có 15.155 bài, tăng gần gấp ba mức nửa cuối năm 2014 trong khi con số của Thổ Nhĩ Kỳ là 4.496 so với 3.624 của nửa cuối năm trước.
Giới công nghệ đã đòi hỏi cần phải minh bạch hơn về các yêu cầu cung cấp dữ liệu của các chính phủ, góp phần xóa bỏ các lo lắng về sự can dự của các chính phủ vào những chương trình do thám lén lút quy mô lớn được cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ.
Facebook khẳng định mình “không cung cấp “cửa sau” hay khả năng tiếp cận trực tiếp với dữ liệu của người dùng cho bất kỳ chính phủ nào”.
Facebook, Microsoft, Yahoo và Google từ năm 2014 đã bắt đầu công bố thông tin chi tiết về số lượng các yêu cầu cung cấp dữ liệu của các chính phủ mà các công ty này nhận được.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm