Nhiều nước châu Á lại đóng cửa vì biến thể Omicron

Tâm lý lo ngại về biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang buộc hàng loạt quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải tạm dừng các kế hoạch nới lỏng hạn chế đi lại cũng như việc đón du khách quốc tế trở lại. Từ Nhật đến Úc, nhiều nước đang điều chỉnh kế hoạch mở cửa trước nỗi lo biến thể mới sẽ gây ra một làn sóng dịch nghiêm trọng, đặt hệ thống y tế vào tình trạng quá tải như năm ngoái.

Nhân viên y tế Hàn Quốc tại sân bay quốc tế Incheon ở TP Incheon
ngày 30-11. Ảnh: REUTERS

Nhiều nước tuyên bố tái siết chặt hạn chế đi lại

Gần đây nhất, chính quyền Nhật ra tuyên bố đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài từ ngày 30-11 cho đến cuối năm, bao gồm các đối tượng đặc thù công việc như doanh nhân hoặc du học sinh ngay khi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên trong cùng ngày, theo hãng tin Reuters. Đáng chú ý, nước này chỉ mới dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách nước ngoài đến Nhật vì mục đích kinh doanh và học tập được vài tuần, sau khi nhiều công ty kiến nghị nên mở cửa để tránh hụt hơi trước các nước phương Tây vốn đã mở cửa từ nhiều tháng qua.

Cùng lúc đó, chính quyền Úc cũng tuyên bố nước này sẽ hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và lao động nước ngoài có tay nghề cao nhập cảnh cho đến hết ngày 15-12. Kế hoạch đón du khách từ Nhật và Hàn Quốc của Úc cũng sẽ bị đình chỉ trong giai đoạn này với lý do tạo điều kiện cho nhà chức trách thu thập thêm thông tin về biến thể Omicron.

Tính đến nay, Úc đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài suốt hơn 20 tháng, khiến thị trường lao động trong nước lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng và ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Số ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này hiện dừng ở con số 5, gồm bốn người ở bang New South Wales đông dân nhất cả nước và một ca ngoại nhập ở bang Western Australia.

Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là một trong những quốc gia tiên phong mở cửa cho khách du lịch nhập cảnh từ hồi tháng 10 nay cũng phải cân nhắc lại, theo tờ South China Morning Post. Từ ngày 28-11, du khách vào nước này được yêu cầu phải cách ly theo dõi một tuần - tăng ba ngày so với quy định trước đó. Chính quyền một số đô thị lớn như Bali và Jakarta thì tuyên bố tái nâng mức hạn chế cộng đồng từ cấp độ 1 lên cấp độ 2. Các văn phòng và nhà hàng giờ đây chỉ có thể hoạt động với công suất tối đa 50%, còn siêu thị là 75%. Cho đến nay chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào ở Indonesia.

Ngoài ba nước trên, một số nước khác như Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines hay Malaysia có chung phản ứng là ra lệnh cấm nhập cảnh người từ các nước ở khu vực phía nam châu Phi - đặc biệt là các nước giáp với Botswana.

 

Hãng tin Bloomberg cho biết biến thể Omicron đang ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán của châu Á. Hết phiên giao dịch ngày 1-12, các chỉ số giao dịch của Nhật như Nikkei 225 giảm 0,4%, còn Topix Index mất 0,8%. Thị trường TQ cũng ngập trong sắc đỏ khi Shanghai Composite mất 0,5%, còn Hang Seng Index của sàn Hong Kong giảm 0,5%.

Châu Á cần thận trọng khi sống chung với virus

Tờ The Wall Street Journal nhận định từ đầu dịch đến nay, hầu hết quốc gia châu Á đã cố gắng giữ số ca nhiễm ở mức thấp hơn so với các quốc gia phương Tây bằng cách kết hợp những biện pháp kiểm soát biên giới cùng các lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Chỉ đến gần đây thì nhiều nước như Singapore và Úc mới bắt đầu nỗ lực đề ra con đường mới để sống chung với virus SARS-CoV-2 và xem COVID-19 như bệnh đặc hữu.

Giới lãnh đạo của Singapore và Úc giữa các thông tin gây bất an về Omicron vẫn nhấn mạnh rằng những kế hoạch đó không thay đổi nhưng họ sẽ tiến hành một cách thận trọng. Trong bài đăng trên trang Facebook chính thức ngày 29-11, Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi người dân nước này bình tĩnh và cho biết đất nước đã chuẩn bị tốt với khoảng 87% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ.

Ông cho hay chính quyền sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để giữ an toàn cho người dân nhưng lưu ý rằng đã có hơn 10 biến thể được xác định kể từ khi đại dịch bắt đầu nên người dân cần học cách sống chung với virus càng sớm càng tốt.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long tuần trước cho biết do biến thể Omicron mà nước này “có thể bị buộc phải lùi lại một vài bước trước khi có thể tiến thêm về phía trước” trong kế hoạch sống chung với dịch COVID-19. Dù vậy, ông Lý vẫn bày tỏ niềm tin rằng Singapore cuối cùng cũng sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.

Tại Trung Quốc (TQ), nước này hiện vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero COVID”, kiểm soát chặt việc di chuyển trong và ngoài nước bất chấp áp lực muốn mở cửa từ khối doanh nghiệp. Việc biến thể Omicron xuất hiện càng củng cố thêm quan điểm của giới chức y tế TQ rằng mọi kế hoạch mở cửa cần phải được tiến hành một cách thận trọng.

Đài CNN nhận định TQ là nước “đứng nhìn” trong khi các quốc gia khác chật vật siết chặt kiểm soát biên giới, đơn giản vì biên giới nước này vốn đã đóng kín từ lâu. “TQ đang ở trong giai đoạn có cơ hội giành được lợi thế nhờ chiến lược chống dịch năng động. Dựa trên khoa học và sự đoàn kết, chúng tôi có thể đối phó với biến thể Delta cũng như Omicron” - Giám đốc Trung tâm Y tế quốc gia về các bệnh truyền nhiễm TQ Zhang Wenhong cho hay.•

 

WHO khuyến cáo các nước không phản ứng cực đoan
với Omicron

Trước việc thế giới trở lại tình trạng “cửa đóng then cài” như hồi năm ngoái do các nước đóng cửa biên giới và ban lệnh cấm đi lại lẫn nhau, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30-11 đã ra khuyến nghị các nước nên áp dụng “cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và giảm thiểu rủi ro” khi thực hiện các biện pháp hạn chế du lịch, bao gồm sàng lọc hành khách, xét nghiệm và cách ly, hãng AFP đưa tin.

Theo WHO, các lệnh cấm đi lại sẽ không ngăn được sự lây lan của biến thể Omicron, mà chỉ tạo thêm gánh nặng cho cuộc sống và sinh kế. “Các lệnh cấm đi lại có thể tác động tiêu cực tới những nỗ lực y tế toàn cầu trong thời kỳ đại dịch và làm nản chí các nước trong việc báo cáo, chia sẻ dữ liệu dịch tễ và giải trình tự gen” - khuyến cáo nêu rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm