Nhật-Nga tiến tới hiệp định hòa bình

Hãng tin Kyodo (Nhật) dẫn nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm chính thức Nhật trong hai ngày 15 và 16-12.

Dự kiến ngày đầu tiên, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp nhau tại suối nước khoáng Nagato (tỉnh Yamaguchi) để thảo luận các vấn đề chính trị, trong đó có hai vấn đề gai góc là tranh chấp lãnh thổ và hiệp định hòa bình. Kế tiếp hai nhà lãnh đạo sẽ trở về Tokyo để thảo luận các vấn đề kinh tế.

Tám điểm hợp tác Nhật-Nga

Quan hệ hai nước chỉ mới được hâm nóng gần đây. Tháng 9-2016, Thủ tướng Shinzo Abe tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok (Nga) đã hội đàm với Tổng thống Putin trong ba giờ. Kết quả: Nga thông báo Tổng thống Putin đồng ý đến thăm Nhật vào ngày 15-12.

Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida lại sang Nga, tiếp xúc với Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov để thảo luận về quan hệ song phương, Triều Tiên, Syria và Ukraine và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Chương trình hợp tác của hai nước sẽ tập trung vào tám điểm:

. Tăng cường lối sống lành mạnh.

. Phát triển các TP tiện lợi và sạch, nơi dễ sống và ủng hộ lối sống năng động.

. Phát triển các trao đổi và hợp tác giữa các xí nghiệp vừa và nhỏ.

. Năng lượng.

. Khuyến khích đa dạng hóa công nghiệp và cải thiện sản xuất ở Nga.

. Phát triển các ngành công nghiệp và cơ sở xuất khẩu ở vùng Viễn Đông.

. Hợp tác về các công nghệ trọng điểm.

. Phát triển cơ bản về trao đổi con người.

Một học sinh Nhật cầu nguyện trước mộ người thân ở Iturup, một trong bốn đảo tranh chấp thuộc quần đảo Kuril. Ảnh: JAPAN TIMES

Bốn đảo tranh chấp trên quần đảo Kuril

Sau hội đàm ngày 16-12, hai bên sẽ công bố tuyên bố chung. Tuyên bố chung Nhật-Nga sẽ kêu gọi thảo luận thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế chung đối với bốn đảo tranh chấp trên quần đảo Kuril do Nga kiểm soát (Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc).

Hoạt động hợp tác phát triển kinh tế chung liên quan đến thành lập các doanh nghiệp liên doanh về đánh bắt và chế biến thủy sản cùng với phát triển du lịch.

Trong thập niên 1990, Nga đã từng đề xuất thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế chung đối với bốn đảo tranh chấp. Đến tháng 5 vừa qua, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Shinzo Abe ở Sochi mới cụ thể hóa được đề xuất này.

Ông Abe hy vọng hoạt động hợp tác chung đối với bốn đảo sẽ thúc đẩy Tổng thống Putin nhượng bộ hơn trong đàm phán về vấn đề tranh chấp và mở đường cho hai nước chính thức ký kết hiệp định hòa bình. Bốn đảo tranh chấp chính là vấn đề cản trở hai nước ký kết hiệp định hòa bình kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin cho hay điều kiện tiên quyết của Nhật là tiến hành hoạt động hợp tác kinh tế chung theo cách thức không dẫn đến thừa nhận chủ quyền của Nga đối với bốn đảo này. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là dù hai bên có nhất trí hợp tác phát triển kinh tế chung, các vấn đề pháp lý chi phối hoạt động hợp tác này lại chưa rõ ràng. Do đó tình hình này có thể dẫn đến củng cố vai trò kiểm soát của Nga.

Chương trình trao đổi không visa

Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) ngày 8-12 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết tuyên bố chung Nhật-Nga cũng sẽ mở rộng chương trình trao đổi không visa.

Chương trình này vốn dành cho các công dân Nhật là cư dân đã từng cư trú trên bốn đảo tranh chấp trở về nhằm mục đích thăm hỏi cá nhân như viếng thăm mồ mả người thân.

Lâu nay, những người tham gia chương trình trao đổi không visa làm thủ tục vào và ra trên một con tàu đậu ngoài khơi đảo Kunashiri. Số người được phép đến các đảo và số khu vực được đến thăm đều bị hạn chế.

Chính phủ Nhật cũng đã kêu gọi công dân Nhật nên hạn chế đến thăm các đảo tranh chấp bằng visa do Nga cấp vì như vậy mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Nga. Theo số liệu thống kê, năm 2015 đã có 760 người đến thăm các đảo và năm 2016 đã có 902 người.

Lần này, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Putin sẽ nhất trí tăng thêm số địa điểm làm thủ tục vào-ra bốn đảo vì lý do nhân đạo. Ngoài ra, chương trình trao đổi không visa sẽ được mở rộng cho các doanh nhân, chuyên viên tiếp thị và các tác nhân khác thúc đẩy kinh tế cũng như các giáo sư đại học và báo chí.

Nói chung, Thủ tướng Shinzo Abe quyết phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán về bốn đảo tranh chấp.

Ngày 7-12, ông đã phát biểu với lãnh đạo các đảng: “Nếu chúng ta nghĩ rằng không còn cách nào giải quyết vấn đề này và đơn giản là từ bỏ, chúng ta sẽ không thúc đẩy tiến bộ chút milimet nào hết”. Ông tuyên bố các nghị sĩ phải có bổn phận đáp ứng nguyện vọng của các cư dân cũ mong muốn nhà nước tạo điều kiện cho họ tự do trở về các đảo tranh chấp.

Quần đảo Kuril (Nhật gọi là lãnh thổ phương Bắc) gồm nhiều đảo núi lửa chạy dài 1.200 km không liên tục từ cực Bắc nước Nhật đến mũi phía nam bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông Nga. Quần đảo Kuril gồm khoảng 30 đảo và nhiều đá với diện tích khoảng 10.600 km2. Chỉ bốn đảo có người ở.

Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô chiếm quần đảo Kuril. Hiện nay về hành chính, quần đảo Kuril thuộc vùng Sakhalin của Nga. Tuy nhiên, Nhật vẫn tiếp tục đòi chủ quyền đối với bốn đảo thuộc quần đảo Kuril gồm Kunashir, Iturup, Shikotan và Habomai (chiếm 1/3 diện tích quần đảo).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm