Nhật sắp có ‘át chủ bài’ đối trọng với TQ trên biển

Động thái này cho thấy Nhật Bản có thể sẽ xúc tiến kế hoạch sở hữu một tàu sân bay đủ lớn để chứa các tiêm kích trên. Theo tờ Kyodo, giải pháp thích hợp nhất hiện nay là Tokyo sẽ tân trang tàu sân bay mang trực thăng Izumo hiện có thành một tàu sân bay “đúng nghĩa”. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) hiện sở hữu hạm đội tàu khu trục sàn phẳng hay còn được gọi là các tàu sân bay trực thăng. Các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo lớn nhất có chiều dài 248 m và có thể chở được 14 trực thăng. Các nguồn tin tiết lộ tiêm kích F-35B có thể hoạt động trực tiếp từ các tàu sân bay trực thăng này một khi những sửa đổi được thực hiện ở phần mũi tàu, sàn tàu cùng một số bộ phận khác. Việc tân trang sẽ cho phép các khu trục hạm lớp Izumo hoạt động như những tàu sân bay nhỏ.

Nếu được xúc tiến, những thay đổi trên sẽ giúp Nhật đối phó các động thái quân sự ngày càng cứng rắn của Trung Quốc (TQ) trên các vùng biển. Với việc sở hữu “át chủ bài” F-35B, Nhật Bản có thể dùng các sân bay nhỏ tại những đảo xa xôi ở khu vực Tây Nam như đảo Yonaguni và tăng cường hoạt động giám sát khu vực. Yonaguni hiện cách Đài Loan chỉ 100 km về hướng Đông và cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Nhật và TQ chỉ 150 km về hướng Bắc. Ngoài ra, Nhật Bản được đánh giá hiện cũng khá cảnh giác với dàn tên lửa tầm xa của TQ. Tokyo mong muốn sở hữu khả năng điều động các máy bay chiến đấu ngay trên biển, tức bằng tàu sân bay, phòng trường hợp các đường băng trên đất liền bị tên lửa phá hủy.

Về mặt chính thức, trả lời báo giới ngày 26-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết hiện Tokyo không có kế hoạch cụ thể nào liên quan tới việc sở hữu máy bay F-35B hay tân trang các tàu khu trục lớp Izumo. Tuy nhiên, các nguồn tin củaReuters cho biết việc tàu chiến Nhật Bản thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với tàu sân bay Mỹ trong những tháng gần đây đã phần nào cho thấy ý định sắp tới của Tokyo. Những cuộc tập trận này được xem “là cơ hội to lớn để Tokyo quan sát cách thức quân đội Mỹ vận hành các tàu sân bay”.

Việc Nhật Bản sở hữu tàu sân bay có thể gây ra nhiều tranh cãi bởi hiến pháp hòa bình của nước này hiện không cho phép lực lượng phòng vệ quốc gia sở hữu các khí tài có năng lực phát động tấn công. Tuy nhiên, theo Reuters, nội các Thủ tướng Shinzo Abe được cho sẽ gỡ vướng mắc này trong Đường lối chỉ đạo chương trình phòng thủ quốc gia (NDPG) sắp được soạn thảo vào cuối năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm