Nhật lo ngại khi Trung Quốc gia tăng thâu tóm đất 'nhạy cảm'

Tờ South China Morning Post ngày 9-12 dẫn lời một quan chức giấu tên tại Văn phòng Nội các Nhật cho biết chính phủ nước này đang cân nhắc ban hành chính sách trước thực trạng các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc mua lại các lô đất gần cơ sở quân sự của Nhật.

Thực trạng thâu tóm đất đai “nhạy cảm”

Theo nguồn tin, trong vòng 10 năm qua, các công ty Trung Quốc đã thâu tóm ít nhất 80 lô đất gần các căn cứ quân sự Nhật và con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

“Chúng tôi theo dõi chặt chẽ các hoạt động thâu tóm đất đai như vậy suốt bảy năm qua, nhưng tình hình ngày càng báo động hơn trong vài năm gần đây” – vị quan chức cho biết.

Máy bay chiến đấu F-15J Eagle tại căn cứ không quân Chitose ở Hokkaido, Nhật. Ảnh: AFP

“Chính phủ Nhật đang phác thảo một chính sách cơ bản và sẽ hoàn thành trước cuối năm nay. Một trong những đề xuất là việc phải đánh giá đầy đủ lý do mua đất của các công ty nước ngoài. Chính sách hiện thời chưa yêu cầu điều này” – nguồn tin nói.

“Điều đó có nghĩa là hiện tại, chúng tôi không hiểu rõ mục tiêu của bên mua. Chúng tôi không tin rằng việc các công ty nước ngoài mua đất gần các địa điểm quân sự nhạy cảm là một sự trùng hợp ngẫu nhiên” – nguồn tin nói thêm.

Theo South China Morning Post, hồi cuối năm 2016, một công ty Trung Quốcđã dự định mua 2,4 hecta đất trên hòn đảo Taketomi, cách quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật)/Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc ) 170 km. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã vào cuộc vào phút chót và ngăn cản thương vụ, song hoạt động thâu tóm đất vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương khác.

Ngoài ra, một công ty Trung Quốc khác đã mua lại lô đất hơn 8 hecta cách căn cứ không quân Chitose của Lực lượng Phòng không Nhật ở đảo Hokkaido chỉ khoảng 3 km. Các quan chức địa phương đã từ chối bình luận về thương vụ này, SCMP đưa tin.

Trước đó, một công ty Hàn Quốc hồi năm 2013 đã mua một lô đất dọc cơ sở radar của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật tại đảo Tsushima, miền nam nước này. Chính vị trí chiến lược của hòn đảo – cách bờ biển Hàn Quốc khoảng 50 km - đã khiến nó trở thành một tiền đồn quan trọng của quân đội Nhật.

Sau thương vụ trên, các quan chức Nhật đã bắt đầu lo ngại về động cơ thực sự phía sau các thương vụ như trên.

“Khi nhà đầu tư Hàn Quốc mua đất ở đảo Tsushima, chúng tôi bắt đầu xem xét các vấn đề pháp lý. Các thương vụ sau đó đã củng cố nghi ngại của chúng tôi” – nguồn tin cho biết.

Vấn đề ở đây là xác định liệu việc mua bán là nhằm phục vụ một dự án phát triển hợp pháp hay không hay có một thực thể nào khác ‘núp bóng’ sau các công ty này.

"Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có đứng sau các thương vụ đó hay không bởi vì thường rất khó để truy vết nhà đầu tư thực sự hoặc tìm ra mối liên hệ giữa nhà đầu tư với chính phủ bởi các công ty bình phong luôn có các vỏ bọc" - quan chức Nhật nói.

Đe dọa an ninh quốc gia

Ông Garren Mulloy - giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka (Nhật) - cho rằng giới chức Nhật cần cảnh giác trước hoạt động thâu tóm đất tại các vị trí nhạy cảm của các công ty nước ngoài, đồng thời nhận định ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, các công ty Nga có thể cũng đang “để mắt đến” các lô đất nhạy cảm ở phía bắc đảo Hokkaido.

“Khi một thực thể nước ngoài nào núp bóng ‘vỏ bọc’ của một công ty mua đất gần các cơ sở quốc phòng của mình, bất kỳ quốc gia nào cũng đều có lý do để lo lắng” – ông Mulloy cho biết.

Phù hiệu của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật tại Căn cứ Không quân Chitose. Ảnh: AFP

Một số thương vụ trong số này có thể là cơ hội kinh doanh thực sự, như công ty Hàn Quốc mua đất ở đảo Tsushima, vì có rất ít khả năng Nhật và Hàn Quốc sẽ xảy ra xung đột quân sự. Tuy nhiên, một số thương vụ với các nước khác có thể sẽ là mối nguy.

Năm 2016, một doanh nghiệp nước ngoài đã thâu tóm lô đất rộng khoảng 5.000 mét vuông gần căn cứ theo dõi tín hiệu và radar của Lực lượng Phòng vệ Nhật ở ngoại ô thành phố Wakkanai, Hokkaido. Chủ đầu tư được cho là có ý định phát triển hệ thống điện gió ở đây, nhưng đến nay khu đất vẫn chưa xây dựng.

“Căn cứ này được sử dụng để theo dõi tín hiệu từ Nga trong khu vực. Tôi biết rằng phía quân đội không tán thành các tuabin gió được đặt gần các cơ sở của họ vì chúng có thể gây nhiễu radar ở tầm thấp. Nếu bất kỳ địa điểm nào bị quân đội nước ngoài kiểm soát được, họ có tiến hành giám sát tín hiệu tầm gần” – ông Mulloy cho biết.

Trong các trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn máy bay quân sự nước ngoài xâm nhập không phận Nhật hay Triều Tiên phóng tên lửa, hoạt động liên lạc thông tin tình báo vô tuyến tại các căn cứ của Nhật sẽ gia tăng đáng kể. Khi đó, việc chính phủ nước ngoài thông qua các công ty bình phong thâu tóm đất đai gần căn cứ quân sự chiến lược, chẳng hạn như căn cứ theo dõi tín hiệu, sẽ mang lại cho họ lợi thế về mặt thông tin.

“Các nước sẽ thu thập các thông tin nhạy cảm và bất kỳ điểm yếu nào của đối phương. Đó là lý do tại sao việc đảm bảo an ninh tai các căn cứ ở đảo Hokkaido và đảo Okinawa là rất quan trọng” – ông Mulloy nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm