Nhật hy vọng EU tăng cường hiện diện quân sự rõ ràng tại châu Á

Theo hãng thông tấn Kyodo News, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi ngày 17-6 cho biết ông hy vọng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ "tăng cường hiện diện quân sự một cách rõ ràng" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang ra sức mở rộng ảnh hưởng.

Trong bài phát biểu trực tuyến với tiểu ban an ninh quốc phòng của Nghị viện châu Âu (EP) hôm 17-6, ông Kishi cho biết: "Chúng tôi thực sự hy vọng rằng một thông điệp mạnh mẽ sẽ được đưa vào (trong một chiến lược của EU) để đảm bảo cam kết vững chắc của EU và các nước thành viên đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Nhật hy vọng EU tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á. Ảnh: KYODO NEWS

Theo Bộ Quốc phòng Nhật, phát biểu của ông Kishi, bộ trưởng quốc phòng Nhật đầu tiên phát biểu trước tiểu ban của EP, cho thấy mong muốn của Tokyo được phản ánh quan điểm của mình trong chiến lược chi tiết về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU dự kiến sẽ đưa ra vào tháng 9.

Trước đó, EU hồi tháng 4 đã đưa ra dự thảo chiến lược, trong đó cam kết đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong bài phát biểu hôm 17-6, ông Kishi nhấn mạnh Nhật phản đối các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc.

Bộ trưởng quốc phòng Nhật cũng khẳng định an ninh tại khu vực Biển Đông đóng vai trò rất quan trọng đối với các nước châu Âu vì 1/3 thương mại thế giới và khoảng 40% hàng hóa giao thương của các nước châu Âu đi qua vùng biển này.

Ông Kishi chỉ trích luật hải cảnh do Trung Quốc đưa ra hồi tháng 2, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh nước này “thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong đó bao gồm việc sử dụng vũ khí” khi cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền, và tài phán bị các tổ chức và cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển”.

Liên quan việc Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, ông Kishi cho biết Nhật mong đợi một "giải pháp hòa bình đối với các vấn đề xuyên eo biển" thông qua đối thoại. 

Trả lời các câu hỏi liên quan quan hệ Trung Quốc và Nga, ông Kishi cho biết điều quan trọng là Nhật, Mỹ và EU "hợp tác cùng nhau để theo dõi các diễn biến" và phối hợp giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ thúc đẩy đào tạo quân sự chung với các thành viên EU.

Trong số các quốc gia thành viên EU, Pháp, Đức và Hà Lan đã đưa ra các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của riêng mình. Bên ngoài khối, trong bản đánh giá chính sách đối ngoại và quốc phòng được công bố hồi tháng 3, Anh cho biết nước này sẽ "can dự sâu" vào khu vực.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh, cùng một tàu khu trục của Hà Lan, hồi tháng 5 đã bắt đầu chuyến hải trình kéo dài bảy tháng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đức cũng có kế hoạch điều một tàu khu trục đến khu vực này.

Hồi tháng 5, Lực lượng Phòng vệ Nhật đã tổ chức một cuộc tập trận chung quy mô lớn với Mỹ, Pháp và Úc. Đây là cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của quân đội Pháp trên lãnh thổ Nhật Bản.

Nhật đang nỗ lực thúc đẩy sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh với các quốc gia cùng chí hướng, vốn chia sẻ chung các giá trị dân chủ, bên cạnh quan hệ đồng minh với Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm