Nhật đề xuất 'đảo đàn ông' trở thành di sản thế giới

Okinoshima, một hòn đảo linh thiêng ngoài khơi Kyushu, là một trong năm địa điểm của Nhật Bản đang được chính phủ nước này xúc tiến đề cử trở thành di sản thế giới vào năm 2017.
Hòn đảo có diện tích không tới 0,5 km2, từ lâu đã nổi tiếng ở Nhật Bản khi là quê hương của ngôi đền Munakata Taisha, nơi ngư dân đến cầu nguyện cho sự bình an từ thế kỷ IV.
Hòn đảo này cũng là quê hương của kho tàng đồ tạo tác, với 80.000 đồ vật được cho là khai quật từ bán đảo Triều Tiên và được xem như là quốc bảo của chính phủ Nhật Bản.

Một điều đặc biệt là phụ nữ không bao giờ được phép đặt chân lên hòn đảo này. Chỉ có các thầy tế Shinto sinh sống tại đây và tiếp tục là những người canh giữ đảo Okinoshima.

Okinoshima là một hòn đảo linh thiêng ngoài khơi Kyushu. Ảnh: Telegraph 

Nhiều quy định cũng xuất hiện tại đây như cấm du khách di chuyển các thứ, từ một viên đá đến thậm chí một chiếc lá. Người dân địa phương thường hoan nghênh quyết định bảo vệ hòn đảo này như một địa điểm văn hóa được công nhận toàn cầu.

"Ngư dân địa phương đã trân trọng Okinoshima từ thời cổ đại và đã được nó bảo vệ. Chúng tôi sẽ cảm thấy vinh dự" - một ngư dân nói.
Tuy nhiên, các thầy tế Shinto ở Okinoshima tỏ ra thận trọng. Các thầy tế bày tỏ mối quan tâm về biện pháp bảo tồn đảo khi đối mặt trước một làn sóng khách du lịch.
Takayuki Ashizu, người đứng đầu các thầy tế tại Munakata Taisha nói với hãng tin Kyodo: "Chúng tôi sẽ không mở cửa Okinoshima cho công chúng tới tham quan ngay cả khi nó được liệt vào danh sách di sản văn hóa UNESCO".
Nhật Bản không phải là đất nước xa lạ với các địa điểm tôn giáo "cấm cửa" phụ nữ. Núi Sanjo tại Vườn Quốc gia Yoshino-Kumano ở trung tâm đảo Honshu cũng là một địa điểm tương tự và hiện đã trở thành di sản thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm