Nhật chuyển vaccine cho Đài Loan hôm nay, bất chấp phản ứng của Trung Quốc

Nhật sẽ cung cấp cho Đài Loan khoảng 1,24 triệu liều vaccine COVID-19 do hãng AstraZeneca của Anh phát triển, bất chấp phản ứng gay gắt trước đó của Trung Quốc liên quan vấn đề này.

Hãng thông tấn Kyodo News dẫn các nguồn tin chính phủ Nhật ngày 3-6 cho biết vaccine sẽ được vận chuyển đến Đài Loan bằng máy bay trong hôm nay, 4-6.

"Có nhu cầu cấp bách đối với Đài Loan (mua vaccine) cho đến khi nước này có thể thiết lập hệ thống sản xuất trong nước vào tháng 7" – Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cho biết trước quốc hội vào sáng 3-6.

Người dân tìm hiểu về việc đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Đài Bắc. Ảnh: BLOOMBERG

Đài Loan, nơi đang vật lộn với sự gia tăng đáng kể các ca nhiễm kể từ tháng 5, đã đổ lỗi cho Trung Quốc về những khó khăn trong việc bảo đảm nguồn vaccine ngừa COVID-19.

Tuần này, Đài Loan cho biết Trung Quốc đã can thiệp vào các cuộc đàm phán giữa hòn đảo này với BioNTech, đối tác phát triển vaccine ngừa COVID-19 ở Đức của hãng Pfizer, khi họ gần đạt được thỏa thuận với công ty Đức.

Ngay cả với lời đề nghị cung cấp vaccine cho Đài Loan, Nhật - nơi đã khởi động chương trình tiêm chủng vào tháng 2 – vẫn sẽ có đủ mũi tiêm cho toàn bộ người dân của nước này từ 16 tuổi trở lên bằng cách sử dụng vaccine do các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna của Mỹ phát triển.

Nhật đảm bảo đủ liều AstraZeneca cho 60 triệu người và đã phê duyệt việc sử dụng vaccine này vào tháng trước. Tuy nhiên, nước này không có ý định sử dụng tức thì loại vaccine này do một số trường hợp phản ứng phụ đông máu hiếm gặp được báo cáo ở nước ngoài, theo Bộ Y tế Nhật.

"Vào thời điểm khó khăn, chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau" - ông Motegi trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp đối lập, đồng thời lưu ý rằng Đài Loan đã nhanh chóng gửi các khoản quyên góp hỗ trợ Nhật sau trận động đất và sóng thần lớn năm 2011 ở đông bắc nước này.

Một số thành viên của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã kêu gọi chính phủ nhanh chóng cung cấp vaccine cho Đài Loan để thắt chặt thêm mối quan hệ với hòn đảo này, đồng thời khẳng định Trung Quốc đang sử dụng việc xuất khẩu vaccine để mở rộng ảnh hưởng.

Ngày 31-5, phản ứng với lời ngỏ cung cấp vaccine cho Đài Loan do ông Motegi đưa ra trước đó, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Nhật “thậm chí không thể đảm bảo cho người dân của mình đủ vaccine vào lúc này”. Ông Uông cho biết các phương tiện truyền thông và nhiều người, bao gồm cả những người ở Đài Loan, đều “hoài nghi” về lời đề nghị của Nhật, theo đài NHK.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Uông nhấn mạnh việc hỗ trợ vaccine nên trở lại mục đích ban đầu là cứu sống và không bị sử dụng như một công cụ phục vụ lợi ích chính trị.

Về phần mình, trong một hội nghị truyền hình do Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài của Nhật tổ chức tại thủ đô Tokyo, người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp cho biết: "Chúng tôi thực sự đánh giá cao việc chính phủ Nhật đang xem xét nghiêm túc việc cung cấp vaccine cho Đài Loan”. Ông từ chối nói thêm.

Ông Ngô cũng cáo buộc "chính sách ngoại giao vaccine" của Trung Quốc đang tạo ra sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế, thêm vào đó nước này cung cấp vaccine sản xuất nội địa và các khoản viện trợ đối phó đại dịch khác "cho những nước sẵn sàng chấp nhận quan hệ đối tác chính trị với Bắc Kinh".

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại ngày càng tăng về áp lực quân sự của Bắc Kinh đối với Đài Bắc. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ sẽ được thống nhất với đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.

Sự quyết đoán của Trung Quốc đã khiến các nhà lãnh đạo Nhật và Mỹ khẳng định tầm quan trọng của "hòa bình và ổn định" giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 4.

Trong một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hôm 2-6, Thủ tướng Yoshihide Suga đã cam kết góp thêm 800 triệu USD ngoài đề nghị ban đầu 200 triệu USD cho chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn nhằm đảm bảo việc phân phối công bằng hơn vaccine ngừa COVID-19 giữa các quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm