Nhận diện thế khó của Mỹ ở Myanmar

Ngày 3-2, Nhà Trắng cho biết xử lý vụ chính biến ở Myanmar là một ưu tiên với Mỹ và hiện nước này vẫn trong quá trình cân nhắc các khả năng trừng phạt cũng như các phương án hành động sắp tới với Myanmar. Ngày trước đó Mỹ đã tuyên bố ngừng hỗ trợ chính phủ Myanmar vì xác định hành động của quân đội nước này là đảo chính.
Điều gì sẽ xảy ra ở Myanmar nếu Mỹ trừng phạt?
Đất nước Đông Nam Á này không xa lạ gì với chuyện trừng phạt từ nước ngoài, chưa biết các lệnh trừng phạt mới một khi thành hiện thực có khác biệt gì không.
Tiêu điểm
Nếu Mỹ trừng phạt, có nguy cơ điều này sẽ tác động lên cấu trúc đối tác của Mỹ trong kiềm chế cách hành xử của Trung Quốc ở khu vực.
Nhà phân tích chiến lược RODGER BAKER  
Mỹ trừng phạt Myanmar lần đầu vào năm 1998 sau khi quân đội Myanmar trấn áp bạo lực biểu tình. Các lệnh trừng phạt dần dần bị siết hơn trong những thập niên qua, dưới thời chính phủ quân sự Myanmar. Mỹ nới lỏng trừng phạt tương ứng theo các bước cải cách mà Tổng thống Thein Sein thực hiện cũng như việc ông thả bà Suu Kyi. Đến năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ trừng phạt cho Myanmar.
Các lệnh trừng phạt kinh tế - trong đó có giảm hỗ trợ tài chính, phong tỏa tiếp cận tài sản, đảo chiều dòng chảy đầu tư - đã gây ra “những tổn hại toàn diện” với Myanmar, báo South China Morning Post dẫn đánh giá của nhà nghiên cứu Heng Kai tại ĐH Hạ Môn (Trung Quốc). Theo ông, trừng phạt không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ quân sự mà ảnh hưởng cả tiến trình phát triển kinh tế của toàn bộ đất nước Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á.
Đến năm 2019, người kế nhiệm ông Obama là Tổng thống Donald Trump áp trừng phạt mới lên nhiều lãnh đạo quân đội, gồm cả Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing liên quan vụ việc xung đột với người Hồi giáo Rohingya.

Người Myanmar mang cờ đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ và ảnh bà Aung San Suu Kyi biểu tình ở Sydney (Úc) ngày 3-2, phản đối cuộc chính biến do quân đội Myanmar tiến hành. Ảnh: GETTY IMAGES

Báo South China Morning Post dẫn lời nhà nghiên cứu Xu Liping tại Viện nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng nếu tới đây Mỹ có trừng phạt thì khả năng lớn sẽ nhắm vào tướng Min Aung Hlaing và các tướng lĩnh dưới quyền ông. Ông Heng Kai thì băn khoăn không biết Mỹ sẽ trừng phạt cụ thể như thế nào khi “Mỹ và phương Tây đã trừng phạt các lãnh đạo quân đội Myanmar liên quan xung đột Rohhingya” và “sẽ không nhiều ý nghĩa nếu lại có hành động tương tự”.
Nhân tố Trung Quốc
Đe dọa trừng phạt Myanmar được chính Tổng thống Mỹ Joe Biden trực tiếp nhắc tới vào ngày 1-2. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, chuyện trừng phạt Myanmar không dễ quyết với ông Biden và Mỹ.
Kênh CNBC dẫn lời nhà phân tích chiến lược cấp cao Rodger Baker tại tổ chức nghiên cứu Stratfor (Mỹ) cho rằng trừng phạt của Mỹ với Myanmar có thể sẽ mở cửa cho Trung Quốc tăng ảnh hưởng ở nước này. Nhà nghiên cứu Xu cũng cho rằng Mỹ trừng phạt Myanmar đồng nghĩa đẩy nước này đến gần hơn với Trung Quốc.
Hơn nữa, trừng phạt của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác của Mỹ ở châu Á vốn đã giúp Mỹ hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar, theo nhà phân tích Baker. Mỹ không có nhiều quyền lợi kinh tế ở Myanmar nhưng các đối tác của Mỹ ở châu Á - Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ có nhiều hoạt động kinh tế và có hiện diện quân sự ở đây. Sự hiện diện của các đối tác này giúp kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc lên Myanmar. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters ngày 2-2, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasuhide Nakayama cảnh báo rằng Mỹ, Anh và cả Nhật có rủi ro đẩy Myanmar đến gần hơn với Trung Quốc nếu cắt các kênh liên lạc với quân đội Myanmar.
Vì thế, theo ông Xu, trừng phạt Myanmar là việc chẳng đặng đừng với Mỹ và ông Biden sẽ hành động nhẹ hơn nếu bà Suu Kyi được thả. Hãng tin AFP cũng nhận định cả Mỹ và phương Tây sẽ giữ mức áp lực vừa phải với hy vọng các tướng lĩnh quân đội Myanmar sẽ suy nghĩ lại.•
 Myanmar trước viễn cảnh bất ổn và chia rẽ sau chính biến
An ninh Myanmar bị đe dọa khi các nhóm nổi dậy lên tiếng phản đối quân đội gây chính biến, đe dọa không tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn đã ký với chính quyền dân sự nếu quân đội không thả người và thu lại hành động vừa rồi.
Ngày 3-2, ông Yawd Serk - quyền Chủ tịch liên minh 10 nhóm nổi dậy ở Myanmar nói với hãng tin Reuters rằng tình hình chính biến đang đe dọa thỏa thuận ngừng bắn mong manh mà liên minh này đã ký trước đó với chính phủ dân sự của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Tại Myanmar hiện có hàng chục nhóm nổi dậy có vũ trang hoạt động ở các khu vực biên giới nước này. Trong số này có 17 nhóm đã ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ, vẫn còn chín nhóm và hai liên minh nổi dậy đang hoạt động chống chính phủ.
Ông Serk, thành viên của nhóm nổi dậy Hội đồng Khôi phục bang Shan (RCSS), lên án việc quân đội gây chính biến bắt giam bà Suu Kyi rồi lên nắm quyền. Theo ông, quân đội đã đặt quyền lợi của mình cao nhất và điều này gây mất lòng tin. Ông Serk kêu gọi quân đội chứng minh sự chân thành của mình bằng cách tổ chức đối thoại với tất cả các bên.
Theo nhà phân tích Anthony Davis tại công ty tư vấn an ninh toàn cầu IHS-Jane, với vụ chính biến vừa rồi, bên cạnh phải chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế bên ngoài thì Myanmar còn có nguy cơ chia rẽ bên trong khi sẽ có nhóm nổi dậy nhân bối cảnh này đẩy mạnh các hoạt động tiến tới ly khai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm