Nhà khoa học Mỹ chỉ ra các tác dụng vaccine

Trong thời điểm này, khi cả thế giới đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để đẩy lùi đại dịch thì xuất hiện các thông tin dạng vaccine không bảo vệ được người được tiêm, hay người được tiêm có thể lây virus sang nhau và sang người chưa được tiêm. Các thông tin này chính xác đến đâu?

Nhiều băn khoăn, lo ngại

Khi Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) điều chỉnh hướng dẫn về chuyện đeo khẩu trang vào ngày 13-5, đã có rất nhiều người Mỹ băn khoăn. Thực tế ở Mỹ, rất nhiều người lớn tuổi có bệnh nền không thể tiêm vaccine. Trẻ em 12-15 tuổi mới được cho phép tiêm vaccine (của Pfizer/BioNTech) từ ngày 10-5. Và hiện còn gần 50 triệu trẻ em Mỹ dưới 12 tuổi chưa có chỉ định tiêm vaccine. Trong bối cảnh này đã xuất hiện lo ngại liệu vaccine có thể bảo vệ hoàn toàn người được tiêm khỏi bị nhiễm, và liệu người chưa tiêm vaccine có thể bị lây từ người đã tiêm một khi họ bị nhiễm?

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna tại hạt Bronx, TP New York (Mỹ). Ảnh: JAMES ESTRIN/NYT

Ổ dịch ở sân bay Changi (Singapore) hồi tháng 5 cho thấy những người được tiêm vaccine đầy đủ vẫn có thể nhiễm các biến thể mới và nguy hiểm như Delta. Một số ổ dịch mới xuất hiện gần đây ở New York (Mỹ - nơi có tỉ lệ phủ sóng tiêm chủng cao) cho thấy khả năng lớn trong số người nhiễm có người đã được tiêm vaccine và cũng có thể họ nằm trong số nguồn lây cho những người chưa được tiêm vaccine khi tiếp xúc gần.

Theo chuyên gia Paul Duprex, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vaccine tại ĐH Pittsburgh (Mỹ), “người đã tiêm vaccine sẽ khó nhiễm hơn nhiều nhưng đừng nghĩ họ không thể nhiễm”. Còn TS Lyssette Cardona, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại chuỗi BV Cleveland Clinic Florida, Martin Health (Mỹ), thừa nhận người đã tiêm hai liều vẫn có nguy cơ bị nhiễm.

“Được tiêm chủng đầy đủ có nghĩa là đã hoàn thành tiêm loạt vaccine COVID-19 theo khuyến cáo để bảo vệ mình tốt nhất trước các biến chứng nghiêm trọng như nhập viện và/hoặc chết. Không có vaccine nào bảo vệ 100% khỏi bệnh tật nhưng nó mang lại cơ hội tốt hơn chống lại các hậu quả khi nhiễm virus SARS-CoV-2” - TS Lyssette Cardona giải thích. 

Lý do là họ tiếp xúc với nguy cơ nhiễm khi chưa xong tiến trình tiêm hai mũi vaccine, cũng như tiến trình tạo kháng thể chưa hoàn tất. Kháng thể được tạo ra ở mức tốt nhất hai tuần sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Nếu một người có kết quả dương tính vài ngày sau đó thì khả năng lớn là họ đã nhiễm trước khi hoàn tất tiêm chủng.

Vậy sự khác nhau về mức bảo vệ giữa tiêm và không tiêm vaccine thế nào? Nghiên cứu của CDC thực hiện trên hai nhóm đã tiêm vaccine và chưa tiêm, trong một tuần, cho thấy ở những người đã tiêm (một hoặc hai mũi) có tỉ lệ nhiễm ít hơn tới 66% so với người chưa tiêm. Một nghiên cứu khác, CDC đã theo dõi các nhân viên chăm sóc sức khỏe tình nguyện và các nhân viên tuyến đầu tại tám địa điểm của Mỹ trong ba tháng, bất kể triệu chứng hoặc tình trạng tiêm chủng. Kết quả, những người được chủng ngừa đầy đủ có nguy cơ nhiễm thấp hơn 25 lần so với những người không được tiêm vaccine.

TS Cardona cho rằng tiêm chủng vẫn là một trong những vũ khí tốt nhất để chiến đấu với dịch COVID-19. Vaccine dù có thể không ngăn nhiễm hoàn toàn 100% nhưng nó cung cấp quá trình đào tạo hiệu quả và bền bỉ cho hệ thống miễn dịch của cơ thể, vì vậy khi thực sự gặp tác nhân gây bệnh, cơ thể sẵn sàng đáp ứng tối ưu nhất.

Người tiêm vaccine một khi nhiễm sẽ lây cho người khác?

Khả năng này có nhưng tỉ lệ thấp hơn nhiều tỉ lệ lây giữa những người không tiêm vaccine. Nghiên cứu của CDC về tính hiệu quả của vaccine ở người đã được tiêm cho thấy người được tiêm (dù một hay hai mũi) một khi nhiễm đều ít có khả năng truyền virus sang người khác hơn so với người chưa tiêm nếu nhiễm. Lý do, ở người đã tiêm (dù một hay hai mũi) một khi bị nhiễm, số lượng virus phát hiện được trong mũi họ ít hơn 40% so với trong mũi người chưa tiêm mà nhiễm. Thời gian virus tồn tại trong cơ thể người đã tiêm vaccine ngắn hơn sáu ngày so với người chưa tiêm.

Một nghiên cứu cho thấy vaccine của Moderna có thể tạo ra các kháng thể chống lại COVID-19 trong dịch miệng và mũi, ngăn chặn virus xâm nhập cơ thể, mang lại hiệu quả “miễn dịch khử trùng”. Điều này cũng có nghĩa những người được tiêm chủng có thể sẽ không lây lan virus qua các giọt đường hô hấp.

Trong bài viết đăng trên trang The Convesation, TS Sanjay Mishra làm việc tại Trung tâm y tế ĐH Vanderbilt (Mỹ) cho rằng từ những phát hiện này có thể hiểu vaccine tăng bảo vệ người được tiêm trước virus và nhờ thế, họ sẽ khó bị nhiễm và ít có khả năng lây sang người khác. Các nghiên cứu cho thấy người được tiêm vaccine khi bị nhiễm thì mức virus trong cơ thể thấp hơn người nhiễm không có vaccine. Lượng virus ít hơn có nghĩa họ có ít khả năng lây cho người khác hơn.

Theo TS Mishra, các nghiên cứu này cho thấy nhiều hứa hẹn, tuy nhiên nếu chỉ dừng ở mức này mà không có thêm nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn nữa thì các nhà khoa học chưa thể kết luận vaccine COVID-19 thực sự bảo vệ người được tiêm lẫn người xung quanh mình khỏi nguy cơ lây nhiễm.

Theo báo New York Times, hồi tháng 4, CDC cũng từng nói “chứng cứ chưa rõ để có thể nói họ (những người đã được tiêm vaccine) có thể truyền virus sang người khác hay không, chúng tôi đang tiếp tục đánh giá chứng cứ”. Nhiều nhà khoa học cũng đồng ý rằng các nghiên cứu hiện tại chưa đủ để khẳng định người đã tiêm vaccine không lan truyền virus.

Nhằm trả lời chính xác câu hỏi này, đang có thêm nhiều chương trình nghiên cứu với các nhóm người tình nguyện về khả năng lây nhiễm giữa những người đã được tiêm vaccine và những người chưa được tiêm khi họ tiếp xúc gần với nhau.

“Miễn dịch khử trùng” vẫn là kỳ vọng

Các nhà phát triển vaccine thường hy vọng bên cạnh ngăn nhiễm, vaccine sẽ giúp đạt được “khả năng miễn dịch khử trùng”, tức việc tiêm vaccine thậm chí có thể ngăn được mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Khả năng miễn dịch khử trùng đồng nghĩa người đã được tiêm vaccine sẽ không bị nhiễm virus hay truyền chúng sang người khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một vaccine được cho là hiệu quả không cần thiết phải ngăn cho được mầm bệnh đi vào cơ thể người được tiêm.

Chẳng hạn, vaccine bại liệt bất hoạt Salk không ngăn chặn hoàn toàn virus bại liệt phát triển trong ruột người. Tuy nhiên, vaccine này cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng dẫn đến què quặt vì nó kích hoạt các kháng thể ngăn chặn virus lây nhiễm vào não và tủy sống. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm