Nhà báo Nhật bị bắt cóc ở Syria gửi lời xin lỗi

Nhà báo Nhật Jumpei Yasuda được trả tự do ngày 24-10 sau 40 tháng bị tổ chức Mặt trận Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria, bắt cóc khi ông vừa vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang.

Ông Yasuda là nhà báo tự do chuyên viết về quân sự, xung đột, bị tổ chức Mặt trận Nursa bắt cóc tháng 6-2015 ở Syria khi ông vừa vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang.

Nhà báo Yasuda sang Syria để đưa tin về cuộc nội chiến. Tổ chức Mặt trận Nursa đã yêu cầu chính phủ Nhật phải trả 10 triệu USD để đổi tự do cho ông Yasuda. Trong suốt thời gian ông Yasuda bị bắt cóc, tổ chức Mặt trận Nursa từng công bố trên mạng nhiều đoạn video ông Yasuda kêu cứu.

Xin lỗi chính phủ

Ngày 2-11, nhà báo Jumpei Yasuda lần đầu tiên trả lời báo giới ở Tokyo sau khi được thả tự do.

“Tôi tin các quan chức chính phủ đã làm mọi thứ có thể. Tôi nợ một lời xin lỗi với tất cả những người đã cố gắng tìm sự tự do cho tôi, tôi xin gửi lời biết ơn sâu sắc tất cả nỗ lực này. Tôi thật lòng xin lỗi vì đã gây phiền phức và nguy hiểm cho chính phủ” - Japan Times dẫn lời nhà báo Yasuda nói tại cuộc họp báo.

Nhà báo Jumpei Yasuda cúi người xin lỗi tại buổi họp báo sáng 2-11. Ảnh: AP

Nhà báo Yasuda hứng chỉ trích mạnh trong nước rằng ông phải tự chịu trách nhiệm về chuyện bị bắt cóc vì tự động đi vào vùng chiến tranh nguy hiểm.

Tại cuộc họp báo, nhà báo Yasuka chấp nhận những chỉ trích đó. “Bạn tự ý đi vào những vùng chiến tranh nguy hiểm thì bạn chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình nếu có bất cứ điều gì xảy ra với bạn” - ông Yasuka nhận trách nhiệm, thêm rằng ông vẫn đang trong quá trình hồi phục những tổn thương trong thời gian bị giam giữ.

“Trong suốt thời gian đó, tôi vẫn bám lấy hy vọng rằng chính phủ đang cố câu thời gian” - ông Yasuda nói - “Họ cam đoan rằng tôi sẽ không bị giết”.

Thông tin về việc vì sao ông Yasuda bất ngờ được trả tự do hiện chưa rõ ràng. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, trụ sở ở Anh, tiết lộ đã có một khoản tiền chuộc được trả cho phiến quân, song chính phủ Nhật Bản phủ nhận. Bản thân ông Yasuda đến nay cũng không biết vì sao ông được thả.

Bình luận về những chỉ trích đối với ông Yasuda, Sean Moore - một người Canada cũng bị bắt cóc ở Syria được thả tự do hồi tháng 2 cho hay ông Jumpei Yasuda không đáng bị chỉ trích như vậy.

“Tôi nghĩ việc các nhà báo và nhà nhân đạo tới những khu vực mà nhiều người khác không hoặc không thể đặt chân tới được là rất quan trọng. Thực sự mà nói, đó là công việc của một nhà báo” - ông Moore nói.

Hình ảnh ông Yasuda xuất hiện trong một video nhóm khủng bố tung ra. Ảnh: Japan Times

“Ông ấy không mang theo súng ngắn cũng không có súng trường AK-47. Ông ấy ở đó chỉ với một cây bút. Những ai chỉ trích ông ấy hoàn toàn không hiểu được tình cảnh” - ông Moore, 48 tuổi, một cư dân ở Ontario (Canada) được trả tự do hồi tháng 2 sau khi bị bắt cóc khoảng một tháng ở Syria, cho biết.

Ông Moore bị bắt làm con tin khi giúp một phụ nữ Canada đưa hai con trai cô trong tay chồng cũ ở Lebanon về nhà bằng cách đưa họ qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản thân ông Moore cũng đối mặt với những chỉ trích tương tự khi ông trở về nhà. “Nhiều người nói "Sean Moor đáng bị như vậy". Người ta chỉ trích rằng tôi đã mạo hiểm và bây giờ phải trả giá. Thật khó để nghe những bình luận này” - ông Moore nói.

“Sai lầm ngớ ngẩn”

Cũng tại cuộc họp báo, nhà báo Yasuda tiết lộ ông bị bắt cóc ngay sau khi vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria bởi một “sai lầm ngớ ngẩn”, theo Washington Post.

Ông kể ông tới Syria vào ngày 22-6-2015 để tận mắt chứng kiến hiện thực chiến tranh đang diễn ra ở quốc gia Trung Đông này và những ảnh hưởng mà người dân, gồm phụ nữ và trẻ em cũng như binh lính ở những khu vực do phe nổi dậy chống chính phủ kiểm soát, phải chịu đựng.

Ông Yasuda năm 2015. Ảnh: TIME

Ông Yasuda nói ông đã đưa ra một quyết định tồi tệ trong lúc đi vào Syria. Đó là khi những người dẫn đường địa phương đột nhiên thay đổi kế hoạch, thay vào đó Yasuda phải theo chân hai người dẫn đường xa lạ khác. Khi họ đi vào lãnh thổ Syria, hai người này bất ngờ tóm lấy ông và đẩy ông vào một chiếc ô tô, tịch thu hành lý của ông và giam ông trong một căn nhà.

“Đó là một sai lầm ngớ ngẩn không thể nào tưởng tượng được” - ông nói và xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về chuyện của ông.

“Đối với những ai hỗ trợ việc thả tự do cho tôi và những ai lo lắng cho tôi, tôi thành thật xin lỗi và xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Tôi cũng gửi lời xin lỗi tới chính phủ Nhật Bản vì tôi mà bị phiền phức” - ông Yasuda, mặc một bộ vest đen thắt cà vạt, cúi gập người xin lỗi.

Khi được hỏi liệu ông có còn muốn trở lại Syria hoặc những nước lân cận để tiếp tục công việc của một nhà báo hay không, ông Yasuda trả lời: “Tôi tới những nơi như vậy khi tôi muốn lấy thông tin, khi tôi có câu hỏi”, thêm rằng “Vai trò của nhà báo trong việc đưa tin từ các vùng chiến sự là rất cần thiết” bởi họ quan sát sự kiện nhìn từ góc độ của người trong cuộc.

“Tôi vẫn muốn tìm hiểu thêm về Syria và truyền tải tiếng nói của người dân sống ở đó” - ông Yasuda nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm