‘Nhà báo hất ghế tổng thống’ qua đời ở tuổi 93

Benjamin Crowninshield “Ben” Bradlee được sinh ra trong một gia đình khá giả tại TP Boston, bang Massachusetts vào ngày 21-8-1921. Cha ông hành nghề luật sư, còn mẹ ông là hậu duệ của một dòng dõi hoàng thân nước Đức. Chú của ông, Joseph Hodges Choate, cũng là một luật sư nổi tiếng, từng đảm nhiệm thành công chức vụ đại sứ Mỹ tại Anh. Còn người bác Francis “Frank” Welch Crowninshield lại là nhà báo kiêm biên tập viên của tạp chí nổi tiếng Vanity Fair. Từ nhỏ Bradlee đã được học thêm tiếng Pháp, chơi dương cầm và học các bản nhạc cổ điển cùng người anh Freddy và em gái Constance của mình. Cứ như thế, cái “bản năng” trí thức, chính trị và báo chí có lẽ đã sớm “ngấm vào máu” của ông.

Ngọn cờ đầu của tự do báo chí

Bradlee bắt đầu sự nghiệp phóng viên khi viết cho tờ báo tin Chủ nhật New Hampshire vào đầu năm 1946. Đến năm 1948, ông bắt đầu viết cho tờ The Washington Post. Tại đây ông gặp gỡ và làm quen với nhà xuất bản Phillip Graham. Chính Graham sau này đã giới thiệu Bradlee trở thành phụ tá tùy viên báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Paris (Pháp), mở rộng con đường để ông gia nhập đội Văn phòng Thông tin và Trao đổi giáo dục Hoa Kỳ (USIE), đơn vị tuyên truyền của đại sứ quán vào năm 1952. USIE chính là nguồn tổng hợp chủ lực các bộ phim, tạp chí, bài nghiên cứu, bài phát biểu và tin tức để Cục Tình báo Mỹ (CIA) sử dụng và nắm bắt tình hình toàn châu Âu.

Tuy nhiên, bản năng nhà báo của Bradlee đã không thể chấp nhận im lặng trước những sự thật diễn ra quanh mình và tiếp tục “ngồi yên” trong sự ràng buộc của những toan tính chính trị. Năm 1957, khi đang cộng tác cho tờ Newsweek, Bradlee đã làm dậy sóng chính trường Pháp - Mỹ khi táo bạo thực hiện một cuộc phỏng vấn với các du kích quân người Algeria. Vào thời điểm này, quốc gia Bắc Phi đang tiến hành kháng chiến chống lại chế độ thuộc địa của chính phủ Pháp. Sau vụ lùm xùm này, Bradlee bị buộc phải rời khỏi nước Pháp. Trở về Mỹ, Bradlee được tuyển làm biên tập viên cho The Washington Post và đến năm 1968 ông được đề bạt làm tổng biên tập.

Ben Bradlee, vị tổng biên tập huyền thoại của tờ The Washington Post, người dẫn dắt loạt bài “phế truất” Tổng thống Mỹ Richard Nixon. (Nguồn: The Washington Post)

Dưới sự lãnh đạo của Bradlee, The Washington Post trở thành cái gai trong mắt của chính quyền vị tổng thống đương nhiệm - Richard Nixon. Năm 1971, hai tờ báo The Washington PostThe New York Times hợp tác xuất bản thành công các bài viết Pentagon papers (Những hồ sơ của Lầu Năm Góc), công khai các bí mật khủng khiếp của Lầu Năm Góc về tội ác chiến tranh tại Việt Nam. Chính quyền Nixon đã phải nhờ đến tòa án để cố gắng dẹp những bài viết này. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh không ngừng nghỉ của hai vị tổng biên tập, Tòa án Tối cao Mỹ đã tán thành quyết định xuất bản các bài viết của New York TimesThe Washington Post. Loạt bài Pentagon papers trở thành một tượng đài của tự do báo chí trong báo giới Mỹ khi lần đầu tiên một tờ báo quyết định xuất bản và phanh phui những câu chuyện bí mật của chính phủ mà vẫn giành được sự ủng hộ của tòa án tối cao. Chính phán quyết về Pentagon papers đã tạo ra tiền đề để Bradlee và các cộng sự của ông thúc đẩy điều tra vụ án Watergate - “quả bom tấn” trên chính trường Mỹ đã hất Richard Nixon khỏi chiếc ghế tổng thống.

Đánh thẳng vào Nhà Trắng

Một năm sau loạt bài Pentagon papers, Bradlee lại hỗ trợ hai phóng viên kỳ cựu là Bob Woodward và Carl Bernstein trong cuộc điều tra tại trụ sở Hội nghị đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate. Giống như Bradlee, Woodward từng là nhân viên truyền thông cho tình báo hải quân. Từ tháng 7-1972, chính Bradlee đã sắp xếp cho Woodward làm việc với Carl Bernstein để viết loạt phóng sự điều tra về các vụ bê bối chính trị ngày càng tăng liên quan đến chính quyền đương nhiệm - Richard Nixon.

Ngày 3-7-1972, các đối tượng Frank Sturgis, Virgilio Gonzalez, Eugenio Martinez, Bernard L. Barker và James W. McCord đã bị bắt giữ trong khi đang bí mật dỡ bỏ các thiết bị điện tử từ văn phòng chiến dịch của đảng Dân chủ. Các nghi vấn nhanh chóng được đặt ra rằng nhóm người này đã tiến hành nghe trộm các cuộc đàm thoại của Larry O’Brien, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ, trong chiến dịch tranh cử năm đó. Các số điện thoại của E.Howard Hunt, nhân viên tình báo CIA, cũng bất ngờ được tìm thấy trong danh sách liên lạc của nhóm tội phạm.

Chính đầu mối này đã dẫn các phóng viên tờ The Washington Post chuyển hướng điều tra nhắm thẳng đến bộ sậu chính trị gia bên trong Nhà Trắng, mà cụ thể là chính quyền của Nixon. Phóng viên Woodward sau đó đã bắt đầu nhận được các thông tin từ một nguồn bí mật với biệt danh Deep Throat. Người này nói với Woodward rằng các phụ tá cao cấp của Tổng thống Richard Nixon - thành viên đảng Cộng hòa - đã chi tiền để nghe trộm thông tin về chiến dịch bầu cử của đảng Dân chủ. Đã có rất nhiều suy đoán về danh tính của Deep Throat. Mãi đến năm 2005, thân phận của nguồn tin mới được tờ Washington Post công bố là ông Mark Felt, cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) của chính quyền Nixon. Từ bài điều tra này, tờ Washington Post đã làm dậy sóng nền chính trị Mỹ vốn đang gắng gượng dậy sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chiếc ghế tổng thống của Richard Nixon lung lay hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Nixon tiếp tục nhấn mạnh rằng ông không biết gì về vụ án hoặc thanh toán “tiền bí mật” cho những tên trộm. Chính quyền của ông không ngừng tung ra các ngón đòn chính trị nhằm hạ thấp uy tín của hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein cùng với loạt bài phóng sự của họ. Trong những thời khắc ngặt nghèo đó, sự ủng hộ và sự tỉnh táo của Bradlee với cương vị là một vị tổng biên tập đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đến kết quả của cuộc điều tra. Chính uy tín và sự cương quyết của ông đã thúc giục hai phóng viên xuất sắc của mình điều tra đến tận cùng vụ án Watergate và vượt qua được những búa rìu dư luận mà chính quyền Nixon gây ra. Nhìn lại vụ án đình đám những năm đầu thập niên 1970, Chirs Cillizza của tờ Washington Post bình luận: “Điều quan trọng nhất chính là sự tin tưởng của ông vào phóng viên, bài viết, nguồn tin và phán đoán của các phóng viên. Ông ấy sẵn sàng chiến đấu đến cùng vì quyền của phóng viên được viết một cách trung thực về những gì thật sự đang xảy ra, bất chấp nó có “xấu xí” đến chừng nào”.

Cuối cùng, trước sức ép của truyền thông và dư luận Mỹ, vào tháng 4-1973, Nixon buộc hai cố vấn chính của ông là Haldeman và John Ehrlichman phải từ chức. Một cố vấn thứ ba của Nixon, ông John Dean, cũng phải nhận quyết định sa thải. Ngày 20-4, Dean tuyên bố rằng ông không muốn là một “vật tế thần trong vụ Watergate” và quyết định làm chứng trước Ủy ban Điều tra Thượng viện ngày 25-6, tuyên bố rằng Richard Nixon “đứng đằng sau” mọi việc và đang sở hữu băng ghi âm các cuộc họp nội bộ của đảng Dân chủ. Ngày 9-8-1974, Richard Nixon từ chức. Nixon được tự do nhưng các thành viên khác trong đội ngũ nhân viên tham gia vụ án đều bị bắt giam. Uy tín của Bradlee và tờ Washington Post tăng cao sau vụ Watergate.

Người thầy của những người xuất chúng

Bradlee được biết đến như một tổng biên tập thường tránh xung đột cá nhân và ít khi nào sa thải nhân viên. Giải thích phong cách làm việc của mình, Bradlee nói: “Nếu bạn cố gắng làm cho tờ báo tốt lên từng ngày thì sẽ có nhiều người giỏi hơn làm việc cho bạn. Khi đó trình độ của bạn cũng tăng lên và tờ báo sẽ tự mình tốt lên”. Chính nhờ phong cách làm việc luôn thuê những người giỏi hơn mình và giúp đỡ họ phát triển tài năng mà rất nhiều nhân vật nổi tiếng của báo chí nước Mỹ đã xuất hiện như Larry Kramer - Chủ tịch USA Today, John Walsh - Tổng Biên tập ESPN, Leonardo Downie Jr - Tổng Biên tập The Washington Post

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm